“Suffragette”, “Norma Rae”… là tiếng nói về bình đẳng giới và khẳng định vai trò phụ nữ trong việc tạo lập các giá trị xã hội.

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2018)

Phim kể về hành trình tìm công lý của Mildred Hayes (Frances McDormand) – bà mẹ có con gái bị hãm hiếp và sát hại. Giữa cơn đau, Hayes quyết vực dậy bản thân, trở thành phụ nữ sắt đá không thể lay chuyển. Bà chỉ trích sự yếu kém của cảnh sát địa phương và buộc họ điều tra lại vụ án.

Bà mẹ Mildred Hayes bên cạnh những tấm biển đòi công bằng cho con gái.

Bà mẹ Mildred Hayes bên cạnh những tấm biển đòi công bằng cho con gái.

Một ngày nọ, Hayes thuê ba tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên đường với nội dung phẫn uất: “Bị hãm hiếp khi đang hấp hối”, “Và vẫn chưa ai bị bắt?”, “Vậy là sao, hỡi cảnh sát trưởng Willoughby?”. Từ chỗ ủng hộ và xót thương Hayes, cư dân thị trấn dần mất thiện cảm với bà, bởi cảnh sát trưởng Willoughby vốn được mọi người yêu mến. Bất chấp sự phản đối của nhiều người, Hayes kiên định với kế hoạch ban đầu nhằm giải nỗi oan khuất cho con gái.

Nhân vật Mildred Hayes cho người xem hình dung về mẫu phụ nữ can đảm, hiểu biết và sẵn sàng bảo vệ công lý. Three Billboards Outside Ebbing, Missouri do Martin McDonagh đạo diễn. Hồi đầu năm, phim giành giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Phim chính kịch xuất sắc”. Ở lễ trao giải Oscar lần 90 (diễn ra tối 4/3, tức sáng 5/3 theo giờ Hà Nội) tại Los Angeles (Mỹ), Frances McDormand đoạt giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc” cho vai diễn.

Suffragette (2015)

Phim do nữ đạo diễn người Anh – Sarah Gavron – thực hiện. Suffragette (tạm dịch: Quyền bầu cử) dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đấu tranh đòi quyền tham gia bầu cử của phụ nữ Anh đầu thế kỷ 20.

Cuộc biểu tình đòi quyền bẩu cử trong Suffragette.

Cuộc biểu tình đòi quyền bẩu cử trong “Suffragette”.

Một lần bị kéo vào cuộc biểu tình trên phố, Mauds Watts (Carey Mulligan thủ vai) chứng kiến cảnh sát đàn áp, đánh đập và bắt giam nhóm phụ nữ đang đòi quyền bầu cử. Sau đó, cô dần ý thức về tự do, bình đẳng giới trong xã hội, nhất là tại xưởng giặt là – nơi Mauds Watts làm việc. Cùng nhiều đồng nghiệp, cô tham gia biểu tình trước tòa nhà quốc hội, rồi bị cảnh sát tạm giam. Trở về, Mauds bị chồng đuổi ra khỏi nhà và cấm gặp con.

Không bỏ cuộc, cô tiếp tục hòa vào dòng người dưới sự chỉ huy của Pankhurst – thủ lĩnh tinh thần – chống chính quyền. Pankhurst nói trước đám đông: “Nếu ta phải vào tù để có được phiếu bầu thì hãy để cho những cánh cửa của chính quyền, chứ không phải những cơ thể của phụ nữ, bị phá nát. Ta thà làm những kẻ nổi loạn còn hơn những kẻ nô lệ”.

Suffragette có kinh phí đầu tư 14 triệu USD và được chọn chiếu mở màn tại Liên hoan phim London (Anh) tháng 10/2015.

North Country (2005)

Phim do đạo diễn người New Zealand – Niki Caro – thực hiện. North Country dựa trên câu chuyện có thật về nữ công nhân kiện tập thể đồng nghiệp nam về hành vi quấy rối tình dục tại Mỹ.

Nhân vật Josey Aimes quyết liệt tố cáo hành vi đồi bại của đồng nghiệp nam tại hầm mỏ.

Nhân vật Josey Aimes quyết liệt tố cáo hành vi đồi bại của đồng nghiệp nam tại hầm mỏ.

Nhân vật chính trong phim là Josey Aimes (Charlize Theron thủ vai). Cô ly dị chồng và đưa hai con trở về nhà bố mẹ ruột để bắt đầu cuộc sống mới. Tại đây, Josey Aimes xin vào làm việc trong khu hầm mỏ, dù môi trường lao động ô nhiễm nặng.

Nghĩ về tương lai các con, cô chăm chỉ làm việc và trở thành nhân viên ưu tú. Mặt khác, Josey Aimes cùng đồng nghiệp nữ liên tiếp bị tập thể nam công nhân lăng mạ nhân phẩm và buông lời chọc ghẹo. Josey còn gặp lại bạn trai cũ Bobby Sharp trong hầm mỏ. Bobby giở trò bệnh hoạn nhằm quấy rối cô.

Phẫn uất, Josey phản ánh tình hình lên ban quản lý mỏ nhưng bị họ phớt lờ. Trước lối hành xử thiếu công bằng, cô khởi kiện nhóm công nhân nam. Ban đầu, đồng nghiệp nữ cùng cô lấy lại danh dự. Dần dần, họ buông xuôi, chấp nhận chịu nhục và tỏ ra lạnh nhạt với Josey trước sức ép từ quản lý mỏ. Vượt qua tất cả, Josey kiên định thực hiện hành trình bảo vệ phẩm hạnh của bản thân.Năm 2006, phim nằm trong danh sách đề cử giải Oscar cho “Nữ diễn viên chính xuất sắc” và “Nữ diễn viên phụ xuất sắc”.

Erin Brockovich (2000)

Phim Erin Brockovich dựa trên sự việc có thật tại Mỹ. Nhân vật chính là Erin Brockovich (Julia Robert thủ vai). Cô thất nghiệp, một mình nuôi ba con và từng hai lần ly dị. Về sau, Erin tìm được một công việc tại văn phòng luật sư. Tại đây, cô tình cờ phát hiện ra hồ sơ vụ việc của người dân Bắc California kiện công ty dầu khí bị đồng nghiệp bỏ xó. Người dân sống trong tinh trạng ô nhiễm nguồn nước do nhà máy gây ra và chịu di chứng bệnh tật.

Nhân vật Erin Brockovich quyết liệt giúp người dân Bắc California đòi lại công bằng.

Nhân vật Erin Brockovich quyết liệt giúp người dân Bắc California đòi lại công bằng.

Dù không được đào tạo về luật, Erin vẫn quyết tâm giúp người dân giành lại công bằng, buộc công ty gây ô nhiễm nhận trách nhiệm. Trên hành trình tìm công lý, bà mẹ ba con đương đầu với nhiều thách thức. Erin đã thuyết phục hơn 600 người dân vùng chịu ảnh hưởng ô nhiễm, cùng cô theo vụ kiện đến cùng. Về sau, công ty dầu khí thua kiện và phải bồi thường hơn 300 triệu USD cho người dân.

Năm 2001, phim giành giải Oscar cho “Nữ diễn viên chính xuất sắc” và Quả Cầu Vàng cho “Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc”.

Elizabeth (1998)

Phim về tiểu sử nữ hoàng Anh do đạo diễn Shekhar Kapur thực hiện vào năm 1998. Elizabeth tái hiện những năm tháng đầu cai trị đất nước của nữ hoàng. Năm 1558, Elizabeth đệ nhất lên ngôi trong tình cảnh nước Anh bị chia cắt, tình hình chính trị căng thẳng với vùng lân cận. Bằng trí tuệ và lòng kiên định, nữ hoàng Elizabeth đã chèo lái con thuyền chính trị nước Anh vượt qua khủng hoảng.

Nữ diễn viên Cate Blanchett thủ vai nữ hoàng Elizabeth đệ nhất.

Diễn viên Cate Blanchett thủ vai nữ hoàng Elizabeth đệ nhất.

Do là phụ nữ, bà bị phe đối lập đe dọa đảo chính. Trong phim, nhân vật Elizabeth (Cate Blanchett thủ vai) là quân vương điềm tĩnh, quyết đoán và bảo thủ. Chính điều này giúp bà không mắc phải sai lầm trong chính trị. Quốc hội Anh nhiều lần hối thúc nữ hoàng kết hôn nhằm có người nối dõi. Thế nhưng, bà từ chối và cho rằng không cần chia sẻ việc trị nước với đàn ông, đặc biệt tránh tối đa thế lực ngoại bang can thiệp vào nội tình đất nước. Elizabeth được dân chúng Anh ngợi ca không chỉ vì bà mạnh mẽ, thông minh, quả cảm, mà còn bởi tinh thần kiêu hãnh.

Năm 1999, phim giành giải Oscar cho “Hóa trang xuất sắc” và Quả Cầu Vàng cho “Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc”. Năm 2007, đạo diễn Shekhar Kapur thực hiện phần hai của phim với tên gọi Elizabeth: Thời đại hoàng kim.

Born in flames (1983)

Phim do đạo diễn người Mỹ – Lizzie Borden – thực hiện. Born in flames xoay quanh hoạt động nữ quyền của hai nhóm phụ nữ ở thành phố New York (Mỹ). Mỗi nhóm bày tỏ quan điểm xã hội đến công chúng qua kênh phát thanh riêng. Isabel (Adele Bertei thủ vai) điều hành nhóm đồng tính nữ với kênh “Radio Ragazza”. Nhóm còn lại do người Mỹ gốc Phi – Honey (Honey thủ vai) – làm thủ lĩnh với kênh “Phoenix Radio”.

Poster Born in flames.

Poster “Born in flames”.

Sau khi đài phát thanh của hai nhóm bị chính quyền đốt cháy, Honey hợp sức Isabel lập kênh “Phoenix Ragazza Radio” và lấy xe tải làm trụ sở hoạt động. Đội quân phụ nữ của thành phố lên kế hoạch làm gián đoạn chương trình phát sóng của Tổng thống Mỹ. Họ đề nghị được trả lương khi làm việc nhà và chính sách giải quyết nạn thất nghiệp cho phụ nữ.

Born in flames mô tả nhiều cảnh phụ nữ bị bạo hành, chính quyền áp bức. Trong phim, khán giả thấy Isabel và Honey tự đứng ra tổ chức các cuộc họp, sản xuất chương trình radio, tập hợp phái yếu để tạo ra cuộc thay đổi nhận thức về vị thế của phụ nữ trong xã hội. Thành viên trong nhóm của Honey và Isabel dạy phụ nữ tự vệ khi bị tấn công tình dục, quan hệ đồng giới an toàn trong bối cảnh vấn đề về giới chưa được chính phủ Mỹ quan tâm.

Norma Rae (1979)

Phim điện ảnh do Martin Ritt thực hiện. Norma Rae dựa trên câu chuyện có thật của bà mẹ đơn thân Crystal Lee Sutton – công nhân tại nhà máy dệt Roanoke Rapids (Mỹ) – chịu nhiều bóc lột trong lao động.

Trong phim, nhân vật Norma Rae Webster (Sally Field) là công nhân có thu nhập thấp. Tại xưởng máy, Norma Rae cùng đồng nghiệp phải làm tăng ca với mức lương ít ỏi, không có thời gian dành cho gia đình. Môi trường làm việc tồi tệ khiến sức khỏe cô bị hao mòn.

Nhân vật Norma Rae đứng lên bàn và giơ cao bảng hiệu trong cuộc biểu tình.

Nhân vật Norma Rae đứng lên bàn và giơ cao bảng hiệu trong cuộc biểu tình.

Một lần, sau khi nghe bài phát biểu của nhà hoạt động xã hội Reuben Warshowsky về quyền lao động, Norma Rae nhận thức về hành vi bóc lột của quản lý nơi cô làm việc. Khi cha Norma Rae qua đời tại nhà máy vì kiệt sức, cô sục sôi với lý tưởng bảo vệ người lao động. Norma Rae quyết định dừng làm việc, kêu gọi đồng nghiệp đứng lên đả phá tình trạng đối xử bất công. Trong cuộc biểu tình, cô viết chữ “Union” (đoàn kết) lên bảng hiệu và nói với quản lý xưởng: “Tôi sẽ ở nguyên chỗ này. Muốn kéo tôi ra khỏi đây, ông sẽ phải huy động cả cảnh sát và lính cứu hỏa quốc gia”.

Năm 1980, phim giành giải Oscar cho “Nữ diễn viên chính xuất sắc “và Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc”.

My Fair Lady (1964)

Phim thuộc thể loại nhạc kịch do George Cukor đạo diễn. My Fair Lady (tạm dịch: Thục nữ yêu kiều) xoay quanh hành trình vượt lên hoàn cảnh sống nghèo khổ của cô gái bán hoa Eliza Dootlittle (Audrey Hepburn). Trong lần vô tình gặp giáo sư ngôn ngữ Henry Higgins (Rex Harrison), cô bị ông dè bỉu bởi vẻ ngoài nhem nhuốc, giọng nói không lọt tai. Henry Higgins phải thốt lên: “Một phụ nữ với chất giọng kinh khủng thế kia thì không có quyền được sống”.

Nhân vật giáo sư Henry Higgins (trái) đưa Eliza Dootlittle tham gia buổi khiêu vũ.

Nhân vật giáo sư Henry Higgins (trái) đưa Eliza Dootlittle tham gia buổi khiêu vũ.

Không mặc cảm trước lời nhận xét thẳng thắn của giáo sư, Eliza quyết tâm đến nhà ông, xin học lớp luyện phát âm để nói giọng chuẩn như quý bà. Nhận Eliza vào học, giáo sư yêu cầu cô phải tập luyện tại nhà trong sáu tháng. Henry Higgins còn đưa ra lời hù dọa để buộc Eliza chăm chỉ luyện nói, đó là ông sẽ đưa cô đến buổi khiêu vũ hoàng gia. Nếu nhà vua không nhận ra Eliza là quý bà, đầu của cô sẽ bị treo ở tháp London. Trước thử thách lớn, Eliza thực hành phát âm hàng ngày, rồi dần trở nên tao nhã, lịch sự hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của giáo sư.

Năm 1965, My Fair Lady giảnh tám giải Oscar ở hạng mục như: “Phim xuất sắc”, “Thiết kế trang phục đẹp nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc”… và giải Quả Cầu Vàng cho “Phim ca nhạc hoặc phim hài hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc”…

Trọng Trường

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN