PGS. TS Phạm Hoàng Lương (Đại học bách khoa Hà Nội) đánh giá, thông qua giải VinFuture đã khích lệ tốt các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời mang lại hướng nghiên cứu mới.

Một tuần sau lễ vinh danh giải Khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được sáng lập bởi vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhiều nhà khoa học cho biết đã kết nối và chia sẻ các kế hoạch hợp tác, tận dụng cơ hội trong nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam.

PGS. TS Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định đây là cơ hội mang kết quả nghiên cứu của nhà khoa học tầm cỡ chia sẻ để cộng đồng khoa học Việt nắm được. Ông gọi những chia sẻ của nhà khoa học từ nước phát triển là “giá trị gia tăng” so với lần trước đó, khi mang đến kiến thức khoa học và các bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng trong điều kiện Việt Nam.

PGS. TS Phạm Hoàng Lương (phải) tại lễ trao giải VinFuture tối ngày 20/12.

PGS. TS Phạm Hoàng Lương (phải) tại lễ trao giải VinFuture tối ngày 20/12. Ảnh: Giang Huy

PGS Lương bày tỏ quan tâm tới khả năng ứng dụng, triển khai thành tựu nghiên cứu quốc tế của các nhà khoa học lớn. Ông đánh giá Quỹ VinFuture đã mời được nhiều chuyên gia các lĩnh vực được quan tâm như nông nghiệp, năng lượng… hướng tới phát triển bền vững. “Việc tiếp cận khác nhà khoa học thế giới sẽ giúp cộng đồng Việt biết thêm thông tin những phát kiến mới trong khoa học, nhất là lĩnh vực năng lượng, là hướng dẫn dắt tốt cho Việt Nam”, PGS Lương nói.

Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture đã trở thành cầu nối, tiếp xúc giữa các nhà khoa học Việt và trên thế giới thông qua các tọa đàm, giao lưu về các chủ đề Nông nghiệp bền vững’ Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng; Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư… PGS Lương cho hay, ông đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc với GS Sir Richard Henry Friend, hay như GS Daniel, nhà nghiên cứu về lý thuyết và tham gia tư vấn ứng dụng công nghệ xanh ở Mỹ…

Với GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nhiều kết quả nghiên cứu của chủ nhân giải thưởng 2022 đã được các nhà khoa học Việt tiếp cận hơn thập kỷ trước. Có thể kể như sử dụng gene Sub1 do GS Pamela C. Ronald (người nhận giải đặc biệt cho nhà khoa học nữ) tìm ra đưa vào giống lúa của Việt Nam.

“Chúng tôi khởi động chương trình thích ứng biến đổi khí hậu dành cho lúa và sau đó được hỗ trợ giống lúa Sub1”, GS Hàm nói. Ban đầu, giống lúa Khang Dân được lai tạo từ Sub1 vẫn tồn tại như đảo xanh giữa biển nước ở Hải Dương, sau đó là các giống phát triển trên 10.000 ha, trải rộng từ miền Bắc đến miền Trung. Giống lúa chịu ngập nước từ 5-7 ngày, nhờ có gene đặc hiệu lúa dù bị ngập vẫn tiếp tục mọc sau khi nước rút. “Đây là vũ khí quan trọng giúp người dân ứng phó biến đổi khí hậu, lũ lụt, do đó đây là kết quả ấn tượng”, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ.

GS.TS Lê Huy Hàm.

GS.TS Lê Huy Hàm trong buổi tối 20/12 tham dự lễ trao giải VinFuture. Ảnh: Giang Huy

Theo GS Hàm, thông qua giải thưởng sẽ thúc đẩy nhà khoa học tìm ra nghiên cứu hay hơn, tốt hơn để giúp cho nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh lương thực bị đe doạ. “Ở sân chơi lớn này, cơ hội cho nhà khoa học Việt là sự tiếp xúc học hỏi, dù lượng người tiếp xúc vẫn là con số quá nhỏ”, ông nói.

Theo ông, khoa học công nghệ Việt vẫn còn một số vấn đề tồn tại, trong đó có vấn đề về kinh phí, do đó cần tăng cường học hỏi, tiếp thu mới có thể thúc đẩy cho khoa học nước nhà.

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội phát triển ứng dụng

TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI); giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, bày tỏ có thể tận dụng cơ hội này để làm gì cho Việt Nam. “Tôi rất mong muốn quỹ VinFuture có thể làm cầu nối, tạo ra những dự án có tầm ảnh hưởng lớn cho Việt Nam, trong đó các chủ nhân giải thưởng VinFuture (tham gia với vai trò cố vấn) cùng với các nhà khoa học Việt”, TS Lê chia sẻ.

Theo TS Lê, nếu tận dụng được cơ hội không những giúp giải quyết các bài toán khó của Việt Nam còn giúp các nhà khoa học trong nước có cơ hội được làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới. Đây là điều sẽ giúp phát triển nền khoa học công nghệ của nước nhà.

Còn TS Lê Xuân Lực, Khoa Nano IT Design Fusion, Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia Seoul (SeoulTech) chia sẻ, hiệu ứng sâu rộng và tác động tích cực của giải thưởng Vinfuture đến nền khoa học và công nghệ hiện đại có thể dễ dàng nhìn thấy. Theo TS Lực việc mời những tên tuổi lớn trong Hội đồng giải thưởng, các nhà phát minh quốc tế cùng chia sẻ các đóng góp và thành tựu khoa học góp phần thúc đẩy tiến bộ nhân loại.

“Những điều này tạo nên tiếng vang lớn đến nền khoa học và công nghệ thế giới cũng như Việt Nam”, TS Lực nói và thêm rằng, giải được xem là “uy tín lớn trong giới học thuật”.

TS Lê Xuân Lực. Ảnh: NVCC

TS Lê Xuân Lực. Ảnh: NVCC

TS Lực đánh giá, các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu được trao giải năm nay đều mang tính đột phá, mở đường tạo ra nhiều tác động tích cực và to lớn đến hàng triệu người trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các nhà khoa học Việt tiếp cận, học hỏi và phát triển, đồng thời thúc đẩy mối liên kết sâu sắc giữa khoa học trong nước và quốc tế. “Cần lan tỏa và khích lệ các nhà khoa học trong nước mạnh dạn tham gia, học hỏi và tạo nên các kết nối giữa khoa học trong nước và quốc tế”, TS Lực nói.

PGS Lương gợi mở, nếu có nhiều thời gian hơn chúng ta sẽ có cơ hội nghe kinh nghiệm, bài học để thúc đẩy điều kiện tại Việt Nam. “Với nhà khoa học trẻ tính định hướng trong bài trình bày ở các phiên như nghiên cứu mới, vật liệu mới, nhận được khuyến cáo giúp sàng lọc công nghệ phù hợp”, ông nói.

Giải thưởng do Quỹ VinFuture được khởi xướng từ năm 2020 và trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Sau 2 mùa giải đã có 16 nhà khoa học được tôn vinh.

Theo Như Quỳnh- VNExpress

BÌNH LUẬN