Nhà văn Nikolai Alekseevich Ostrovsky sáng tác tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” khi bị mù và nằm liệt giường.

Ngày 22/12/1936, ông ra đi ở tuổi 32, khép lại cuộc đời nhiều gian truân nhưng huy hoàng, như câu nói của nhân vật Pavel trong tiểu thuyết: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”.

Theo Yug Times, chính quyền thành phố Krasnodar, Nga thông báo ngôi nhà của nhà văn ở Sochi – nơi ông sống từ năm 1928 đến 1936 – đang được trùng tu. Quá trình thực hiện do các chuyên gia Cục Bảo vệ Di sản Văn hóa Nhà nước giám sát. Nhà là một phần của Bảo tàng Văn học và Tưởng niệm Nikolai Ostrovsky, lưu giữ nhiều ký ức về nhà văn.

Ostrovsky sinh năm 1904 ở một ngôi làng nhỏ vùng Viliya. Theo Kultura, từ bé, ông đã thích đọc sách và bộc lộ năng khiếu viết lách. Ông được nhận vào trường giáo xứ từ năm sáu tuổi, tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm tám tuổi. Ostrovsky thích tiểu thuyết lãng mạn và phiêu lưu của James Fenimore Cooper, Walter Scott và Jules Verne, thường đọc to cho mẹ nghe. Đôi khi, ông thay đổi cốt truyện, tưởng tượng ra những phiên bản của riêng mình.

Ostrovsky hồi bé. Ảnh: Kulturologia

Ostrovsky hồi bé. Ảnh: Kulturologia

Năm 1914, ông cùng gia đình chuyển đến Shepetovka. Ban ngày, Ostrovsky học ở trường, ban đêm đi làm phụ bếp, trợ lý cho lính cứu hỏa. Năm 15 tuổi, nhà văn gia nhập Komsomol – tổ chức thanh niên thuộc đảng Cộng sản Liên Xô, xung phong ra mặt trận. Một năm sau, trong trận chiến gần Lviv, Ostrovsky bị thương nặng, buộc phải xuất ngũ.

Ông đăng ký tại trường kỹ thuật điện, phục vụ trong Ủy ban Đặc biệt toàn Nga và làm thêm tại công trường xây dựng. Năm 1922, nhà văn tham gia xây dựng tuyến đường sắt Komsomol để vận chuyển củi đến Kiev. Trong một lần phải ngâm mình trong nước lạnh để cứu một chiếc bè gỗ, ông lâm bệnh nặng. Ban đầu, Ostrovsky bị cảm, sốt phát ban. Sau đó, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm đa khớp, dần dần thoái hóa, có khả năng phải nằm một chỗ. Khi ấy, ông 18 tuổi.

Nhà văn vẫn nỗ lực làm việc nhưng tình hình sức khỏe ngày một xấu. Theo Russiapedia, ông thường xuyên phải phẫu thuật, nhập viện điều trị. 23 tuổi, ông phải nằm liệt giường và chịu đựng những cơn đau giày vò. Tuy nhiên, ông không nằm im chờ chết mà chăm chỉ học tập, đọc hàng trăm cuốn sách, tốt nghiệp khoa Thư tín của Đại học Cộng sản Sverdlovsk. Trong một lá thư, Ostrovsky viết: “Tôi đã mất tất cả về thể chất, nhưng nghị lực của tuổi trẻ và mong muốn được cống hiến vẫn còn”.

Ông bắt đầu sáng tác như một cách giết thời gian trong bệnh viện. Ông viết một tác phẩm về lữ đoàn của Grigory Kotovsky, phần lớn là tự truyện. Ostrovsky gửi bản thảo cho đồng đội, tuy nhiên, bị thất lạc trên đường vận chuyển. Đó là bản thảo duy nhất, tác phẩm không còn cơ hội xuất bản. Nhà văn chấp nhận và tiếp tục viết. 25 tuổi, Ostrovsky hoàn toàn mất thị lực. Ông tuyệt vọng, có ý định kết liễu đời mình, nhưng cuối cùng thức tỉnh.

Thép đã tôi thế đấy ra đời sau khi nhà văn bị mù. Theo Kulturologia, thời điểm này, Ostrovsky nảy ra ý tưởng sáng tác tiểu thuyết, như một cách để chứng minh sự tồn tại. Nhà văn viết bằng bút chì, tuy nhiên dòng nọ đè lên dòng kia, khó để đọc lại. Ông nghĩ cách sáng chế ra khung và viết trong đó. Vợ ông chuẩn bị một tập giấy và vài cây bút chì vót nhọn. Đa phần, ông làm việc vào ban đêm. Đến sáng, toàn bộ sàn nhà đầy những tờ giấy nguệch ngoạc. Nhà văn đánh số để vợ sắp xếp theo thứ tự. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng yếu, ông không thể cầm bút, đành phải nhớ các tình tiết trong đầu rồi đọc cho mọi người chép lại.

Trong một bài phỏng vấn, vợ ông kể: “Tôi kê chiếc bàn nhỏ lại gần giường để chồng không phải đọc to. Ông ấy đọc chậm rãi, từng câu một, ngập ngừng đắn đo một hồi lâu. Cứ được ba, bốn câu ông ấy lại yêu cầu đọc lại để nghe. ‘Em xóa đi. Chép lại nào. Câu này không đạt’, mọi thứ cứ lặp lại như vậy”. Nhà văn cũng nhờ sự trợ giúp của người thân, bạn bè, hàng xóm, thậm chí là cháu gái chín tuổi viết nội dung. Theo Kulturologia, có chữ viết của 19 người trong bản thảo cuốn tiểu thuyết. Mỗi ngày, ông làm việc đến 20 giờ.

Ostrovsky đọc tiểu thuyết để vợ gõ chữ. Ảnh: Kulturologia

Ostrovsky đọc tiểu thuyết để vợ gõ chữ. Ảnh: Kulturologia

Phần đầu tiên của Thép đã tôi thế đấy được hoàn thành ở Moskva vào năm 1931. Ostrovsky đã gửi nó cho tạp chí Molodaya Gvardia, nhưng các biên tập viên từ chối vì cho rằng nhân vật chính “hoàn toàn phi thực tế”. Nhà văn nhờ người trực tiếp đưa bản thảo đến tận văn phòng của Koroxop – phó tổng biên tập. Xem xong bản thảo, ông quyết định cho đăng tiểu thuyết dài kỳ trên tạp chí.

Tháng 11/1932, tác phẩm được phát hành thành sách, đạt thành công ngoài mong đợi. Sách được độc giả nhiều thế hệ yêu thích, tái bản hơn 40 lần trong hai năm. Theo trang Moscsp, các nhà phê bình tin rằng tác phẩm là một phúc âm đặc biệt với người trẻ bấy giờ. Họ công nhận nhân vật chính là kiểu “đàn ông mới” gần gũi về mặt tinh thần với giới trẻ. Giới chuyên môn nhận định cốt truyện của dựa trên cuộc đời và trải nghiệm của chính Ostrovsky. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Pavel Korchagin – chàng trai có tính cách bướng bỉnh. Pavel lớn lên trong thời kỳ chiến tranh và trở thành chiến sĩ cách mạng bản lĩnh, kiên cường. Pavel chấp nhận hy sinh tình yêu, tuổi trẻ, đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu.

Cuốn Thép đã tôi thế đấy do Nhà xuất bản Văn học năm 2022. Ảnh: NXB Văn học

Cuốn “Thép đã tôi thế đấy” do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2022. Ảnh: NXB Văn học

Nhà văn cũng được trao Huân chương Lenin, tặng căn hộ lớn ở Moskva. Nhà nước còn xây cho ông ngôi nhà ở Sochi, nơi ông tiếp đón độc giả và bạn bè văn chương. Ostrovsky cũng sáng tác tiểu thuyết cuối cùng Born by Storm. Trong một lá thư, ông viết: “Đúng là cuộc sống! Ai có thể đoán được rằng cuối đời tôi sẽ hạnh phúc như vậy? Tôi không muốn chết, nhưng nếu điều đó xảy ra đột ngột, tôi sẽ chết ở trạm hành động chứ không phải ở sân sau không hợp lệ”.

Theo Hiểu Nhân – VN Express

BÌNH LUẬN