Tuần cuối năm 2022, Trung, đồng nghiệp của tôi nhắn tin bảo sẽ về núi ở mấy ngày để tập trung cho một khoá thiền, nhờ tôi quán xuyến công việc giúp.

Tôi vui vẻ nhận lời vì biết đây là việc tốt, giúp Trung yên tâm, toàn ý cho việc thanh lọc tâm hồn. Đây không phải là lần đầu tiên Trung vắng mặt tại công ty vì lý do này. Hàng năm, cậu vẫn thường dành 5-7 ngày cuối năm để detox tâm hồn như thế. Có khi vài ba tháng, nếu thấy mệt quá hay căng thẳng với doanh số, cần một ý tưởng hay ho, Trung sẽ xin nghỉ vài bữa. Có khi Trung chỉ về ngôi chùa thân thuộc ở quận 8 (TP HCM) để “ẩn” mình mấy bữa. Sau đó công việc thường trở nên hiệu quả hơn với cậu. “Cái đầu mình thông, mọi thứ sẽ thông”, là những gì Trung nhận được từ những lần “ẩn cư”.

“Cơ thể hay tâm hồn nếu chịu đựng quá sức cũng đều mệt mỏi. Mình phải lắng nghe cả thân và tâm để điều chỉnh thói quen, thái độ sống, làm mới mình kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc”, Trung một lần chia sẻ với tôi.

Căng thẳng, phiền não do áp lực công việc, cuộc sống, do không biết chăm sóc bản thân là căn bệnh thời đại. Đột quỵ ở người trẻ được nhắc đến khá nhiều gần đây. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người thương tật vĩnh viễn, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và cộng đồng.

Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận, mỗi năm nước ta có thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và khoảng 50% tử vong. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.

Trầm cảm cũng là điều khó tránh khi con người chật vật xoay xở trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đại dịch hoành hành. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này trong dân số chung tăng dần những năm gần đây, hiện khoảng 5-7%. Còn trên thế giới, WHO cho hay sau dịch Covid-19, trầm cảm và các bệnh lý tâm thần trên dân số chung tăng đột biến lên 15-20%.

Điểm chung của hai căn bệnh thời đại trên là nó diễn ra âm thầm trong mỗi người, một bệnh liên quan đến các mạch máu nơi thân, còn bệnh kia làm tổn hại sự bình yên trong tâm con người ta hàng ngày.

Có rất nhiều hoạt động chữa lành đang nở rộ, một phần để kiếm tiền, phần khác là thiện sự của nhiều cá nhân tổ chức, thu hút nhiều người trẻ tham gia. Xu hướng tìm về với sự tĩnh lặng, an yên bên trong cũng hình thành như một phong trào, một lối sống ở một bộ phận người trẻ sau khi chịu nhiều áp lực để kiếm tiền, khẳng định bản thân.

Kiếm tiền, định vị giá trị của mình trong xã hội bên cạnh con người sinh lý là điều mà ai cũng cần đạt được nhưng nó sẽ trở nên bất ổn nếu mong muốn điều đó quá nhanh, quá dễ dàng so với tài năng, thực lực.

Bán sức kiếm tiền thật nhiều và thật nhanh thực sự không đáng. Sự lao lực có thể dẫn tới hậu quả kép: thân tâm đều xơ xác, thậm chí không còn cơ hội cứu vãn.

Có nhiều cách để trở nên hạnh phúc hơn với những gì mình đang có. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói “Ta có là ta, ta mới đẹp”. Đó là lời khuyên cho việc nhận diện giá trị bản thân trên cơ sở xác định được mình là ai, nên và cần làm gì, phải dành thời gian chăm sóc cho thân tâm thế nào.

Xu hướng sống thuận tự nhiên, tìm lại sự tĩnh lặng vốn có bên trong, thưởng thức cuộc sống một cách tích cực, sâu sắc là hành vi tử tế với chính mình. Làm mới bản thân khi năm cũ đi qua, năm mới về chính là cách ta tập thương mình đúng đắn. Bởi, dù có ở vị trí nào trong xã hội, có bao nhiêu tài sản mà không biết điều bản thân đang cần, hoặc phải bỏ sức khỏe, tính mạng thì còn có ích gì.

Con người đến trong đời không mang gì theo, rời khỏi nhân gian cũng đi một mình và bỏ lại tất cả. Vì vậy, mỗi ngày sống vui, làm việc trong tinh thần tỉnh thức, hạnh phúc chính là cách thưởng thức cuộc sống này đúng nghĩa.

 Theo Cư Sĩ Lưu Đình Long – VNExpress

BÌNH LUẬN