Miếng bánh thị trường phía Bắc đã khá chật cùng sự xuất hiện của nhiều đại gia bia ngoại, buộc Bia Hà Nội phải tính cách mở rộng phân khúc, giành lại thị phần.

Tại buổi họp báo thay đổi nhận diện thương hiệu ngày 23/4, ông Trần Đình Thanh- Chủ tịch Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) chia sẻ, thị trường bia đang có xu hướng chững lại, duy trì ở mức 5% mỗi năm, song lại chứng kiến sự tham gia của nhiều hãng bia ngoại, cạnh tranh khốc liệt hơn.

Ông cho biết, ngay thị trường miền Bắc – nơi vẫn được coi là “thủ phủ” của Bia Hà Nội, sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này cũng giảm so với trước. Sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và áp lực cạnh tranh từ những thương hiệu bia ngoại buộc Habeco phải thay đổi, trước tiên từ tái định vị nhận diện thương hiệu mới.

“Nếu vẫn giữ những nếp cũ, quan điểm phát triển cũ thì không phù hợp với dòng chảy thị trường hiện đại”, Chủ tịch Bia Hà Nội nói về lý do tái định vị nhận diện thương hiệu lúc này.

Lợi nhuận của Bia Hà Nội liên tục giảm vài năm gần đây, từ mức trên 1.200 tỷ đồng năm 2015 về còn 626,5 tỷ năm 2018. Đơn vị này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 384,5 tỷ đồng năm 2019. Đây cũng là một trong số lý do Habeco lên kế hoạch tăng thị phần, sản lượng tiêu thụ thông qua mở rộng thị trường miền Nam, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… bên cạnh khu vực tiêu thụ chính miền Bắc và miền Trung.

Ông Trần Đình Thanh (giữa) - Chủ tịch HĐQT Habeco trả lời tại họp báo. 
Ông Trần Đình Thanh (giữa) – Chủ tịch HĐQT Habeco trả lời tại họp báo. 

“Miếng bánh thị trường miền Bắc chỉ có thế và hiện nhiều doanh nghiệp ngành bia cùng nhảy vào, trong đó có những doanh nghiệp ngoại như ThaiBev, Heneiken… Nếu không mở rộng thị trường mà chỉ khu trú ở một nơi thì thị phần sẽ giảm tiếp”, ông Thanh nói và khẳng định, mở rộng thị trường hay thay đổi nhận diện thương hiệu ở thời điểm này “không phải cuộc chơi mạo hiểm với Habeco mà là việc phải làm và đúng thời điểm”.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Habeco chia sẻ, doanh nghiệp vẫn đặt trọng tâm triển khai đúng tiến độ thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo Bộ Công Thương, Chính phủ. Vướng mắc với đối tác chiến lược Carlsberg đến nay “đã đạt được kết quả sau”. Năm 2018 hai bên đã có 13 cuộc làm việc, gặp gỡ để tìm tiếng nói chung.

Việc bán vốn Nhà nước tại Habeco được rục rịch từ cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc với đối tác chiến lược Carlsberg. Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược trước đó, cổ đông ngoại này được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương thoái vốn.

Lãnh đạo của Habeco từng cho biết Carlsberg mong muốn nâng sở hữu tại Habeco từ mức 17% hiện tại lên 30%. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn cụ thể tại doanh nghiệp này như thế nào thì vẫn phải chờ quyết định từ các cấp có thẩm quyền. “Quá trình thoái vốn phải đảm bảo 3 tiêu chí: công khai, minh bạch và tối đa hoá lợi hoá lợi nhuận Nhà nước nên cần thời gian”, lãnh đạo Habeco phân trần.

Anh Minh

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN