“Ready Player One”, “Tron” thu hút nhờ kỹ xảo, còn “The Matrix” hay “Black Mirror” để lại nhiều câu hỏi đậm chất triết học.

Ready Player One (2018)

Người chơi có thể hóa đủ kiểu nhân vật trong OASIS.

Người chơi có thể hóa đủ kiểu nhân vật trong OASIS.

Môi trường thực tế ảo trong bom tấn mới của Steven Spielberg là một trò chơi khổng lồ tên OASIS. Người chơi mang kính thực tế ảo cùng nhiều thiết bị khác, trở thành các nhân vật trong game. Họ điều khiển động tác của nhân vật, đồng thời cảm nhận sự đau đớn mỗi khi trúng đòn. OASIS mang tính chất của một xã hội song song, nơi con người tự định đoạt thân phận và hành trình của mình. Một bé gái có thể chọn hình hài gã đàn ông cao lớn và cư xử theo cách cô không bao giờ làm ngoài đời.

Steven Spielberg tập trung vào cốt truyện hành động với những cảnh quay bằng kỹ xảo gây ấn tượng mạnh. Sự hiện diện cùng lúc của nhân vật ở cả hai môi trường giúp ông thể hiện các trích đoạn hành động giàu tương tác. Những tác động đến nhân vật ngoài đời lúc này cũng đe dọa chính “mạng sống” của anh ta trong trò chơi. Ngoài ra, tác phẩm còn có ý cảnh tỉnh về việc chìm đắm trong thực tế ảo. Nhân vật chính tham gia một trò chơi và liên tiếp vượt mặt người khác bởi hiểu biết sâu sắc về cuộc sống thật của người sáng tạo trò chơi. Đầu phim, anh tìm đến thế giới ảo để thoát ly hiện thực, nhưng đến cuối nhận ra hạnh phúc ở đời thực mới là quan trọng.

Black Mirror

Series truyền hình Anh ra mắt từ năm 2011, gây chú ý bởi trình bày nhiều viễn cảnh táo bạo khi công nghệ thay đổi xã hội. Mỗi tập kể câu chuyện riêng biệt, thường là về một công nghệ viễn tưởng. Thực tế ảo xuất hiện trong tập hai mùa bốn (Playtest) và tập bốn mùa bốn (San Junipero).

Chàng thanh niên bước vào cuộc thử nghiệm trong Playtest.`

Chàng thanh niên bước vào cuộc thử nghiệm trong “Playtest”.`

Playtest mang phong cách kinh dị, xoay quanh một chàng trai Mỹ tên Cooper (Wyatt Russell) hết tiền khi du lịch ở Anh. Anh tham gia một thử nghiệm thực tế ảo để kiểm tra sức chịu đựng của con người. Trong môi trường giả lập, Cooper bước vào một ngôi nhà bí ẩn. Các thử thách kinh dị tăng dần độ khó, khiến anh dần hoảng loạn.

San Junipero là câu chuyện lãng mạn về Kelly (Gugu Mbatha-Raw) và Yorkie (Mackenzie Davis). Hai cô gái trẻ phải lòng nhau trong thế giới San Junipero, nơi lưu trữ ký ức con người. Ngoài đời, Kelly là một góa phụ già còn Yorkie bị liệt nhiều thập niên qua, muốn được an tử để hoàn toàn sống trong thế giới ảo.

Trong khi đó, Kelly phải lựa chọn giữa việc chết thông thường giống chồng mình hay chuyển ký ức vào San Junipero để ở cùng người yêu. Ngoài mô tả công nghệ, tác phẩm còn đặt nhiều câu hỏi về tình yêu, sự tồn tại của con người và khái niệm về kiếp sau. Đây là một trong các tập hay nhất của series Black Mirror, giành hai giải Emmy và một giải BAFTA.

The Matrix (1999)

Về sau, Neo có khả năng thay đổi các quy luật vật lý của Matrix.

Về sau, Neo có khả năng thay đổi các quy luật vật lý của Matrix.

Bộ ba Matrix được xem là tuyệt phẩm trong thể loại khoa học viễn tưởng pha hành động, trong đó tập đầu được đánh giá cao nhất. Câu chuyện bắt đầu khi tay hacker Neo (Keanu Reeves) cảm thấy thế giới anh đang sống có gì đó bất ổn. Sau đó, Neo phát hiện thế giới này là một thực tế ảo mang tên Matrix, do những cỗ máy nổi loạn tạo ra để nô dịch nhân loại. Chúng giam giữ con người, khai thác năng lượng từ cơ thể họ, truyền dữ liệu vào não khiến con người nghĩ mình đang sống đời thực. Một số người nhận ra mình đang sống trong Matrix và lên kế hoạch giải phóng nhân loại.

The Matrix gợi nhiều vấn đề triết học và có hàng loạt bài nghiên cứu về phim trên nhiều góc độ. Một ý tưởng thú vị là việc nhìn phim từ lăng kính của Friedrich Nietzsche – triết gia người Đức. Nietzsche cho rằng tri thức, truyền thống, tôn giáo là những thứ nô dịch con người. Chỉ có vượt lên khỏi những thứ áp chế này, hiểu được thế giới là hư vô, con người mới có thể trở thành “siêu nhân” (của triết học). Thực tế ảo trong phim được ví như xã hội hiện đại mà Neo phải nhận ra nó là giả, để rồi vượt qua và thoải mái biến đổi các quy tắc của nó.

Existenz (1999)

Đây là tác phẩm nổi bật trong giai đoạn đầu sự nghiệp Jude Law (trái).

Đây là tác phẩm nổi bật trong giai đoạn đầu sự nghiệp Jude Law (trái).

Phim kinh dị của David Cronenberg mô tả một tương lai khi các trò chơi thực tế ảo dựa trên công nghệ cơ – sinh học thay thế các trò điện tử thông thường. Người chơi sẽ đeo các thiết bị kết nối gắn trực tiếp vào xương sống. Hai công ty Antenna Research và Cortical Systematics cạnh tranh nhau ở lĩnh vực này. Trong khi đó, một nhóm người theo chủ nghĩa đề cao hiện thực (tự xưng là “realist”) chống lại cả hai tập đoàn để ngăn khuynh hướng xa rời thực tại của cộng đồng.

Người bảo vệ Ted Pikul (Jude Law) chưa từng chơi trò này do e ngại thân thể bị xâm phạm. Trong tình thế éo le, anh cùng nhà thiết kế trò chơi Allegra Geller (Jennifer Jason Leigh) phải bước vào thế giới thực tế ảo. Kịch bản gồm nhiều nút thắt giữa thực và ảo khiến người xem bất ngờ, đồng thời phản ánh sự tác động của kỹ thuật số lên con người. Khác với lối mô tả có phần dễ chịu trong Ready Player One – khi người chơi tương đối tỉnh táo, Existenz khắc họa những kẻ nghiện game cực đoan đến mức lẫn lộn giữa danh tính ảo và thực.

The Thirteenth Floor (1999)

Một cảnh thế giới ảo trong phim.

Một cảnh thế giới ảo trong phim.

Năm 2000, The Thirteenth Floor được đề cử giải Saturn cho “Phim khoa học viễn tưởng xuất sắc”, nhưng thua The Matrix. Phim lấy bối cảnh thập niên 1990 ở Los Angeles (Mỹ), khi nhà sáng chế Hannon Fueller (Armin Mueller-Stahl) tạo ra một thế giới giả lập của Los Angeles năm 1937. Khi Fueller bị ám sát, bạn của ông là Douglas Hall (Craig Bierko) bị nghi ngờ là hung thủ.

Những chứng cứ đưa ra mạnh đến nỗi Hall nghi ngờ sự vô tội của mình. Anh bước vào thế giới ảo để tìm kiếm một manh mối được Fuller để lại. Hàng loạt tình huống nửa hư nửa thực diễn ra, khiến Hall cho rằng chính thế giới ở thập niên 1990 của mình cũng là giả.

Trong phim này, thực tế ảo được cho là một công cụ có thể giúp con người tăng trí thông minh. Tiến sĩ Lawrence Angelo (Pierce Brosnan) thử nghiệm điều này lên Jobe Smith (Jeff Fahey) – một người làm vườn thiểu năng. Jobe không chỉ thông minh hơn mà còn phát triển những khả năng siêu phàm, khiến Lawrence phải ra tay ngăn chặn trong một trận chiến diễn ra ở đời thực lẫn thực tế ảo. Phim được dựa trên tiểu thuyết Lawnmower Man của Stephen King, nhưng nhà văn cho rằng nó quá khác truyện và kiện đoàn phim, đòi đổi tên bản điện ảnh.

Videodrome (1983)

Cảnh thực tế ảo kỳ quái trong Videodrome.

Cảnh thực tế ảo kỳ quái trong “Videodrome”.

Trong thập niên 1980 – 1990, đạo diễn David Cronenberg quan tâm đến sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là ý tưởng về sự kết hợp giữa cơ thể và công nghệ. Videodrome thuộc trường phái siêu thực công nghệ (techno-surrealist), là một trong các phim đầu tiên đề cập khái niệm thực tế ảo. Max Renn (James Woods) là chủ tịch một đài truyền hình ở Canada và không hài lòng với chương trình của mình. Anh hứng thú với một chương trình được phát sóng từ Malaysia, không có câu chuyện mà chỉ gồm loạt cảnh bạo lực. Kể từ đó, Max bắt đầu có những ảo tưởng kỳ lạ.

Tác phẩm tràn ngập những cảnh quay kỳ quặc, trong đó có trích đoạn nhân vật bước vào thế giới ảo và tra tấn một phụ nữ. Ở thời điểm ra mắt, Videodrome bị cho là quá khó hiểu và bạo lực. Tuy nhiên, sau này nhiều cây bút cho rằng phim đã dự đoán chính xác nhiều hiện tượng đương đại như nghiện Internet, sự không phân biệt giữa thật – ảo hay mô hình chương trình truyền hình thực tế của các sao.

Tron (1982)

Năm 1982, sách kỷ lục Guinness ghi nhận Tron là phim đầu tiên dùng hình ảnh hoạt họa hoàn toàn do máy tính tạo ra.

Năm 1982, sách kỷ lục Guinness ghi nhận “Tron” là phim đầu tiên dùng hình ảnh hoạt họa hoàn toàn do máy tính tạo ra.

Tác phẩm do Steven Lisberger đạo diễn và viết kịch bản có câu chuyện độc đáo. Một nhà thiết kế máy tính tên Kevin Flynn (Jeff Bridges đóng) bị hút vào thế giới phần mềm của một máy tính. Ông phải tương tác với các chương trình để tìm cách trở về. Phim mở ra một thế giới có các nguyên tắc riêng, còn phần hình ảnh gây ấn tượng mạnh về thị giác.

Các chương trình xuất hiện dưới hình dạng con người nhưng hoạt động theo nguyên tắc máy tính. Các thuật ngữ công nghệ và diễn xuất của diễn viên được hòa quyện khéo léo. Nhà phê bình gạo cội Roger Ebert chấm phim điểm tuyệt đối, ca ngợi trí tưởng tượng và kỹ xảo của ê-kíp. Tron trở thành một phim được tôn sùng (cult film, quy tụ nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt tìm hiểu sâu về tác phẩm). Phần hai – Tron: Legacy – ra mắt năm 2010 nhưng không được khen ngợi bằng phần đầu.

Ân Nguyễn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN