Trong “Tình khúc bạch dương”, ngoài những đoạn cãi vã, hờn ghen, đôi diễn viên còn thực hiện nhiều cảnh lãng mạn.

Phim Tình khúc bạch dương vừa phát sóng tập 10. Nội dung tập trung khai thác chuyện tình du học sinh Việt tại Nga. Mối quan hệ giữa Quyên (Minh Trang) – Hùng (Huỳnh Anh) liên tiếp mâu thuẫn vì hiểu lầm. Còn Quang (Bình An) thổ lộ tình cảm với Vân (Hồng Loan) sau chuỗi ngày cả hai cùng sinh hoạt văn nghệ trong hội sinh viên.

Cặp Quyên – Hùng trở thành tâm điểm của phim khi có nhiều cảnh quay lãng mạn lẫn xung đột. Quyên thuộc mẫu tiểu thư đỏng đảnh và có phần ích kỷ. Tính hay ghen của cô khiến mối quan hệ với Hùng nhiều lần bất hòa. Cụ thể, khi thấy sự xuất hiện của An – cô gái sống chung khu ký túc – trong phòng Hùng, Quyên nổi giận và bỏ đi. Lo lắng cho người yêu, Hùng chạy đi tìm và làm mọi thứ để giảng hòa với Quyên. Ngoài ra, Hùng nhiều lần thất hẹn, bỏ mặc Quyên ở buổi tiệc do du học sinh Việt tổ chức cũng khiến cô không hài lòng, thậm chí buông lời chia tay.

Cặp Quyên - Hùng có nhiều cử chỉ ngọt ngào trong Tình khúc bạch dương.

Cặp Quyên (Minh Trang) – Hùng (Huỳnh Anh) trong “Tình khúc bạch dương”.

Tình khúc bạch dương còn nhiều cảnh tình tứ, ngọt ngào của hai nhân vật chính. Để tạo nhiều kỷ niệm cho bạn gái, Hùng dẫn cô tham quan thành phố và các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nga. Trong tập 9, Hùng mang hoa tặng Quyên để rủ cô trốn học đi chơi. Anh cũng dành nhiều lời ngọt ngào nói với người yêu: “Anh hứa sẽ luôn nắm tay em như thế này và cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, hai đứa mình cùng vượt qua”.

Lần đầu tham gia dự án truyền hình, Minh Trang (vai Quyên) được đánh giá cao về diễn xuất và biểu cảm gương mặt. Trong khi đó, Huỳnh Anh là nam diễn viên quen mặt với nhiều khán giả. Anh từng góp mặt trong Cầu vồng tình yêuBộ tứ 10A8, Bi, đừng sợ!. Trong Tình khúc bạch dương, cảnh hôn giữa Minh Trang và Huỳnh Anh tự nhiên, không gượng ép. Hóa thân vào nhân vật, nam diễn viên có nhiều cảnh diễn nội tâm, nhất là sự bế tắc, bất lực trong việc giải thích hiểu lầm với bạn gái.

Cặp nghệ sĩ có nhiều cảnh diễn lãng mạn trong phim.

Cặp nghệ sĩ được khán giả nhận xét diễn ăn ý trong phim.

Chuyện tình trong Tình khúc bạch dương gợi quá khứ với kỷ niệm đẹp đẽ cho nhiều thế hệ du học sinh Việt. Trên fanpage, khán giả Đỗ Quyên chia sẻ: “Mùa hè năm ấy chàng xuôi xuống thành phố nhỏ đầy hoa và nắng ở phương Nam để thực tập (thành phố Krasnodar). Chàng gặp cô công nhân trẻ ngây thơ, trong sáng và cũng từ đó tình yêu của họ nảy nở. Mùa đông năm ấy, cô gái phải rời xa chàng trai để về nước. Cũng như bao lứa đôi khác, tình yêu gắn liền với nỗi nhớ, chờ đợi, những cánh thư… Khi bộ phim phát sóng, những kỷ niệm ấy ùa về đã khiến em không cầm nổi những giọt nước mắt”.

Ngoài chuyện tình của Quyên – Hùng, cuộc sống của người Việt xa xứ thu hút người xem bởi câu chuyện ngang trái. Theo nhiều khán giả, cảnh sống “tha phương cầu thực” như nhân vật Hoa (Kiều Anh) phổ biến giai đoạn đầu những năm 1980. Hoa đi xuất khẩu lao động, bỏ lại chồng con ở nhà. Tại phương xa, vì muốn việc buôn hàng thuận lợi, cô chấp nhận ngoại tình với Bình (Hải Anh) – đơn vị trưởng nơi Hoa làm việc. Mặt khác, Hoa gặp lại tình cũ – Lâm (Quang Tuấn) – đang là nghiên cứu sinh tại Nga. Hai người dành cho nhau sự trân quý và giúp đỡ hết lòng khi khó khăn xảy đến. Không muốn Hoa cưu mang, Lâm đi buôn đồng hồ nhưng sau đó anh bị lừa và mất trắng số hàng. Để gỡ lại số vốn, Lâm nhờ bạn xin đi chuyển hàng lậu thuê. Tuy nhiên, trong lần đầu chuyển hàng, anh bị cảnh sát bắt.

Sau gần một phần ba số tập lên sóng, Tình khúc bạch dương không chỉ gợi cho khán giả ký ức về quãng thời gian lao động, học tập nơi xứ người, mà còn tái hiện cảnh sinh hoạt Việt Nam thời bao cấp. Đó là dãy nhà tập thể, chiếc xe đạp, tủ lạnh Liên Xô, điện thoại quay số, phong trào nuôi chó Nhật và nhất là ca khúc Em bay trong đêm pháo hoa được phát trên loa phường hàng ngày.

Bên cạnh những lời khen về dựng bối cảnh, diễn viên, phim gây phản ứng trái chiều khi nhấn mạnh chi tiết du học sinh buôn hàng. Trên fanpage, khán giả Minh Phương cho rằng sinh viên những năm 1980 có đi buôn, nhất là ở thành phố nhỏ như Krasnodar nhưng chủ yếu là buôn bán vặt. Học vẫn là chính, buôn bán chỉ để có tiền đi chơi chứ không trốn học liên miên như nhân vật Hùng. Khán giả có nickname Cass Cass lại cho rằng bố anh từng là du học sinh Nga, tham gia buôn bán như các nhân vật trong phim và nhiều lần bị lừa.

Phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình khúc Lavanda của nhóm nhà văn là cựu sinh viên khoa Nga, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Tình khúc bạch dươngdo Vũ Trường Khoa đạo diễn. Phim dài 36 tập.

Trọng Trường

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN