Văn hóa tiêu dùng và giải trí Triều Tiên đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

Kim Kyong Hui, hướng dẫn viên của nhà máy giày Ryuwon trong phòng trưng bày của nhà máy hôm 1/2. Ảnh: AP.
Kim Kyong Hui, hướng dẫn viên tại phòng trưng bày sản phẩm nhà máy giày Ryuwon hôm 1/2. Ảnh: AP.

Những thay đổi trong văn hóa Triều Tiên hiện hữu từ các bộ phim truyền hình, chương trình phim hoạt hình cho tới các loại hàng hóa đa dạng cùng bao bì bắt mắt, theo AP. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã sẵn sàng chấp nhận các khía cạnh của văn hóa tiêu dùng phương Tây.

“Điều quan trọng nhất với chúng tôi là tạo ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng”, Kim Kyong Hui, hướng dẫn viên nhà máy giày Ryuwon nói trong lúc giới thiệu các sản phẩm trong phòng trưng bày của nhà máy. Trong phòng chứa hàng chục mẫu giày phục vụ hoạt động chạy bộ, chơi bóng chuyền, bóng đá, thậm chí là bóng bàn.

“Lãnh đạo Kim Jong-un đáng kính đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu kỹ các mẫu giày dép khắp thế giới, học hỏi họ”, cô nói, chỉ vào một đôi giày bóng rổ cao cấp.

Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới. Mọi thay đổi đều diễn ra thận trọng, nhưng dường như dưới thời Kim Jong-un, một số khía cạnh xã hội đang sẵn sàng chuyển mình.

Thay đổi rõ nét nhất là truyền hình và những chương trình tuyên truyền hay phim tài liệu ca ngợi lãnh đạo. Khán giả Triều Tiên chỉ có thể xem truyền hình nhà nước, kênh duy nhất phủ sóng khắp đất nước, giờ đã ngừng xem những chương trình thường lệ để theo dõi tập mới nhất bộ phim lịch sử “Những người hái nhân sâm thời chiến tranh Imjin” kể về cuộc đấu tranh của Triều Tiên chống Nhật Bản xâm lược cuối thế kỷ 16.

Chủ đề dân tộc không có gì mới. Nhưng cái mới dưới thời Kim Jong-un là bộ phim hoạt hình “Cậu bé đại tướng” ra mắt năm 2015, lấy bối cảnh thời Cao Ly khi đất nước chiến đấu chống giặc xâm lược Trung Quốc. Bộ phim gây tiếng vang lớn, khiến toàn bộ người dân cứ đến giờ là dừng hết mọi công việc để theo dõi.Một trò chơi điện tử trên điện thoại di động mang tên “Cậu bé đại tướng” được tạo ra và phần tiếp theo của bộ phim dự kiến sắp ra mắt.

Bộ phim truyền hình “Những người hái nhân sâm thời chiến tranh Imjin” được sản xuất công phu, cốt truyện hấp dẫn, diễn xuất hay, trang phục cũng thu hút hơn so với những dự án trước. Ngay cả đoạn hội thoại bằng tiếng Nhật cũng rất chính xác, dù do diễn viên Triều Tiên lồng tiếng và nói giọng đặc Triều Tiên. Phim hoạt hình “Cậu bé đại tướng” thì sử dụng khéo léo các kỹ xảo máy tính và trực quan ngang tầm một số bộ phim hoạt hình hay nhất trên thế giới.

Những tiến bộ này phản ánh sự thay đổi của nhận thức xã hội. Công chúng Triều Tiên ngày càng quen thuộc với văn hóa pop nước ngoài, và giới thượng lưu Triều Tiên trở nên quen mắt với các sản phẩm đắt tiền như mỹ phẩm Dior hay đồ điện tử Sony trên kệ các cửa hàng cao cấp ở Bình Nhưỡng. Còn đồ Trung Quốc rẻ tiền rất phổ biến ở các khu chợ khắp Triều Tiên.

Xem phim Hàn Quốc hay nghe nhạc Hàn Quốc bị coi là bất hợp pháp, nhưng phim ảnh và nhạc Hàn Quốc vẫn tìm được đường qua biên giới sang Triều Tiên. Những người không dám mạo hiểm xem phim ảnh Hàn Quốc vẫn có thể tìm hiểu văn hóa nước ngoài nhờ các bộ phim chiếu ở rạp nhà nước.

Phim Bollywood rất phổ biến tại Triều Tiên, ví dụ như bộ phim “Ba thằng ngốc” vừa được công chiếu ở rạp gần quảng trường Kim Nhật Thành. Kênh giáo dục Triều Tiên thường xuyên chiếu phóng sự nước ngoài, còn bộ truyện Harry Potter là loại sách được ưa chuộng nhất trong thư viện lớn nhất Triều Tiên.

“Cách Triều Tiên tiếp cận truyền thông nước ngoài là hiện đại hóa cách thức sản xuất thông tin trong nước để cung cấp sản phẩm có tính hấp dẫn và cạnh tranh, phục vụ cho thế hệ trẻ không còn hứng thú với sản phẩm kiểu cũ”, Geoffrey See, người sáng lập Choson Exchange, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore chuyên hỗ trợ cho sự phát triển của Triều Tiên bằng cách cung cấp kiến thức, thông tin về kinh doanh, doanh nghiệp và luật pháp.

“Với hàng hóa tiêu dùng, nó cũng liên quan tới chính sách nhà nước khuyến khích nội địa hóa và xuất khẩu”, ông nhận định.

Phục trong một nhà hàng ở Bĩnh Nhưỡng đứng xem một bộ phim truyền hình dài tập hôm 15/8/2018. Ảnh: AP.
Nhân viên trong một nhà hàng ở Bĩnh Nhưỡng đứng xem một bộ phim truyền hình dài tập hôm 15/8/2018. Ảnh: AP.

Kim Jong-un bắt đầu cho cập nhật văn hóa nhạc pop ngay khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011 bằng việc thành lập ban nhạc Moranbong, gồm các giọng ca nữ và nhạc sĩ đại điện cho “diện mạo mềm” của Triều Tiên.

Dù các thành viên ban nhạc đều là quân nhân Triều Tiên, họ nổi tiếng với trang phục váy ngắn và mái tóc ngắn thời trang. Họ đã phát hành hàng chục ca khúc, phổ biến qua các tour biểu diễn, đĩa DVD và sóng truyền hình.

Tháng hai năm ngoái, Triều Tiên cử một số nghệ sĩ hàng đầu tới khu Phi quân sự liên Triều để biểu diễn trong Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc. Hai tháng sau, Kim có mặt để thưởng thức màn biểu diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Red Velvet trong chương trình K-pop đầu tiên ở Bình Nhưỡng. Màn biểu diễn của Triều Tiên ở Hàn Quốc cũng được đón nhận nồng nhiệt, khiến tháng trước, Kim Jong-un tiếp tục cử nghệ sĩ tới Bắc Kinh lưu diễn.

Tuy nhiên, dàn nhạc quân đội và những giọng ca được đào tạo bài bản, biểu diễn trong trang phục truyền thống vẫn là trụ cột của âm nhạc Bình Nhưỡng. Màn biểu diễn của nhóm nhạc nữ tại Bắc Kinh được hỗ trợ bởi dàn hợp xướng và dàn nhạc quân đội, tất cả đều mặc quân phục.

Quan trọng hơn, Triều Tiên không tìm cách tách rời nghệ thuật và chính trị. Khi nhóm nhạc quay về Bình Nhưỡng, Kim thúc giục họ tiếp tục các hoạt động nghệ thuật “với ý thức hệ về đảng” và hành động “dũng cảm trong vai trò cơ quan ngôn luận của đảng”.

Hồng Hạnh

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN