14/2 tại Nhật Bản, theo truyền thống chỉ có phụ nữ tặng chocolate, không chỉ cho người yêu mà phải phát cho các nam đồng nghiệp.

Truyền thống Valentine của Nhật bị cho lấy hết đi sự thú vị của Lễ Tình nhân, biến nó thành ngày thi hành một nghĩa vụ tẻ nhạt của những cô gái sợ làm phật lòng các cộng sự nam.

BBC đưa tin thực tế “giri choco” hay “chocolate nghĩa vụ” đang thoái trào vì phụ nữ Nhật dần chuyển sang tặng chocolate cho bạn bè.

Một nhân viên bách hóa tại Tokyo trưng set chocolate cho dịp Valentine 2019. Ảnh: Reuters.
Một nhân viên bách hóa tại Tokyo trưng set chocolate cho dịp Valentine 2019. Ảnh: Reuters.

Khảo sát năm 2017 của tập đoàn 3M cho thấy 40% nữ giới Nhật được hỏi dự định tặng “chocolate nghĩa vụ” cho một đồng nghiệp. Phần lớn họ tin đó thay một lời cảm ơn cho “sự giúp đỡ và ủng hộ nói chung”. Những người khác coi việc này như cách “bôi trơn” chỗ làm hoặc cảm thấy ngại nếu không tham gia.Để phân biệt, Nhật gọi chocolate tặng cho người yêu là “honmei choco” hay “chocolate chân thành”. Trong khi đó, “giri choco” dành tri ân các nam đồng nghiệp.

Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với văn hóa tặng quà, nên nhiều phụ nữ thấy không có vấn đề với “chocolate nghĩa vụ”. Nhà báo về chocolate Ayumi Ichikawa lý giải: “Chúng tôi có thói quen tặng quà bạn bè và người quen lúc này lúc kia để tỏ lòng biết ơn vì họ đã quan tâm mình”.

Nhưng cô Ichikawa cũng cho biết một bộ phận nữ giới coi “việc phải làm” trong 14/2 là gánh nặng hình thức.

Chủ tịch hãng chocolate nghĩa vụ Yuraku gửi thông điệp: Nếu các cô gái cần nói lời cảm ơn chân thành tới đồng nghiệp nam, họ ở đây để giúp đỡ. Ảnh: SoraNews24.
Chủ tịch hãng “chocolate nghĩa vụ” Yuraku gửi thông điệp: Nếu các cô gái cần nói lời cảm ơn chân thành tới đồng nghiệp nam, họ ở đây để giúp đỡ. Ảnh: SoraNews24.

Một nghiên cứu ở Nhật năm 1996 với nhân viên văn phòng nữ kết luận “chocolate nghĩa vụ” là một cách phụ nữ thị uy với đàn ông vì có cơ hội xếp loại họ. Cụ thể, anh nào được ngưỡng mộ sẽ nhận chocolate, anh nào dưới mức đó không có quà.Giảng viên ĐH Shizuoka, Sejiro Takeshita, lại bảo vệ truyền thống này khi cho rằng nó “không bất công như thoạt nhìn”. 14/3, hay Valentine Trắng của người Nhật, là dịp nam giới tặng lại chocolate cho nữ giới. “Đó là lúc các quý cô trả đũa”, giảng viên Takeshita nhìn nhận.

Hơn hai mươi năm sau đó, “cơ hội hiếm hoi” đó ít hấp dẫn các nữ nhân viên Nhật Bản hơn, vì việc thị uy thành ra nghĩa vụ.

Năm ngoái, truyền thống gây tranh cãi này cuốn một hãng chocolate cao cấp Bỉ vào làn sóng chỉ trích. Nhà sản xuất chocolate Godiva tung quảng cáo kêu gọi chấm dứt “giri choco”.

“Valentine là ngày thổ lộ cảm xúc thuần khiết của mình. Không phải chỗ làm việc gì đó thừa thãi với mục đích ‘bôi trơn’ quan hệ nơi làm việc”, quảng cáo nêu.

Năm nay, họ nhắm thẳng vào công ty bánh kẹo Yuraku, hãng sản xuất loại chocolate giá rẻ được mệnh danh “vua chocolate nghĩa vụ”. Chocolate Bỉ mỉa mai chocolate Nhật bằng cách khuyến khích nhân viên Yuraku mua Godiva tặng người họ yêu, và Yuraku nên chính thức cộp mác “chocolate nghĩa vụ”. Tuy nhiên, là chocolate sang, Godiva bị cho lép vế vì ít ai mạnh tay mua chúng làm quà nghĩa vụ.

Các cửa hàng bách hóa là nguồn du nhập Valentine và văn hóa tặng chocolate về Nhật Bản. Lễ Tình nhân đã trở nên cực kỳ quan trọng với ngành bánh kẹo nước này, với việc có những shop kinh doanh hàng năm phụ thuộc 70% trước và trong 14/2. Tuy nhiên, doanh thu “chocolate nghĩa vụ” các năm tới được dự đoán sẽ giảm sút. Valentine của người Nhật dần bớt cứng nhắc trong việc phân biệt giới tính tặng chocolate, áp lực hình thức trong doanh nghiệp giảm và nhiều phụ nữ chọn tặng chúng cho bạn bè hơn.

Thanh Tùng

Theo Ngoisao.net

BÌNH LUẬN