Hình ảnh Freddie Mercury – ca sĩ người Anh tài năng với lối sống bất cần – được tái hiện tròn trịa qua diễn xuất của Rami Malek.

Bohemian Rhapsody kể về cuộc đời của Freddie Mercury (Malek đóng), giọng ca chính và là linh hồn của ban nhạc Queen – một trong những nhóm rock huyền thoại với hơn 300 triệu bản thu âm bán ra. Nhiều ca khúc của họ trở thành kinh điển và đi vào văn hóa đại chúng Âu Mỹ.

Kịch bản bắt đầu từ lúc Queen thành lập cho đến thời đỉnh cao vào năm 1985. Theo trình tự thời gian, các cột mốc của nhóm được tái hiện trên màn bạc. Freddie gặp hai thành viên Brian May (Gwilym Lee đóng) và Roger Taylor (Ben Hardy đóng) để xin gia nhập nhóm vào năm 1970. Sau đó, họ thu âm album A Night at the Opera năm 1975, trải qua nhiều thăng trầm trước khi có buổi diễn đỉnh cao trong chương trình Live Aid năm 1985. Ngoài ra, câu chuyện khai thác những góc khuất trong đời Freddie về mối quan hệ đồng tính, sự cô đơn và căn bệnh AIDS.

Biên kịch của phim là Anthony McCarten – người từng nhận hai đề cử Oscar “Kịch bản xuất sắc” với The Theory of Everything và Darkest Hour. Với kinh nghiệm trong dòng phim tiểu sử, McCarten tái hiện cuộc đời của Freddie Mercury với nhiều chi tiết bám sát thực tế.

Freddie Mercury là mẫu nghệ sĩ bất cần điển hình của thập niên 1970 – 1980. Trên sân khấu, anh nổi tiếng cuồng nhiệt với khả năng làm chủ đám đông, lôi cuốn người xem hòa mình vào giai điệu. Khi sáng tác, anh liên tục phá cách với những thể nghiệm mới. Cảnh phim nổi bật minh họa cho tính cách này là lúc nhóm Queen thu âm ca khúc Bohemian Rhapsody. Bài hát kinh điển này có cấu trúc độc đáo, chia thành những đoạn với phong cách ballad, opera và hard rock riêng biệt. Freddie kiểm soát các thành viên khác và buộc họ thu âm đến khi vừa ý anh. Sau đó, nghệ sĩ thẳng thừng chế giễu một nhà sản xuất không đánh giá cao tiềm năng của bài này.

Trong đời tư, Freddie phóng túng, diêm dúa và chỉ làm những gì mình thích. Ở những bữa tiệc xa hoa, rượu và chất kích thích vương vãi khắp nhà anh. Tuy nhiên, nhân vật cũng có nỗi cô đơn và khao khát được yêu thương. Mối quan hệ giữa Freddie và các nhân vật phụ – người bố, các thành viên ban nhạc, những người tình cả nam lẫn nữ – mang đến góc nhìn đa chiều. Trong đó, tình cảm giữa Freddie và Mary (Lucy Boynton đóng) có vai trò đặc biệt, lột tả sự trống trải của một siêu sao phía sau vẻ hào nhoáng. Bản năng giới tính đẩy anh khỏi người yêu nhưng từ tận đáy lòng, Freddie mong mỏi sự kết nối tinh thần với Mary. Trích đoạn anh chớp tắt đèn, mong người yêu ở căn nhà đối diện nhìn thấy và hồi đáp biểu lộ nỗi cô đơn, khao khát yêu thương đến tột bậc.

Freddie Mercury (trái) và Rami Malek khi hóa thân nhân vật.

Freddie Mercury (trái) và Rami Malek khi hóa thân nhân vật.

Điểm sáng nhất của phim là màn hóa thân của Rami Malek. Để vào vai nhân vật người Anh, diễn viên Mỹ gốc Ai Cập nỗ lực rèn luyện trước khi ghi hình. Anh học cách phát âm, sang Anh học hát và chơi piano. Ngoài ra, anh cùng huấn luyện viên hình thể Polly Bennett xem các video về Freddie để tập động tác giống ca sĩ quá cố. Khi phim ra mắt, diễn xuất của Malek được hầu hết báo Âu Mỹ khen ngợi. Thói quen, cử chỉ, thần thái của ca sĩ quá cố được anh tái hiện sinh động. Trong cảnh cao trào – buổi diễn trong khuôn khổ sự kiện Live Aid, Malek gây ấn tượng mạnh từ dáng đứng, cú vung tay, cách nhịp chân rồi lướt đi trên sân khấu đến cách cầm micro, lối bắt giọng khiến hàng nghìn khán giả hòa nhịp.

Trong gần 20 năm hoạt động, nhóm Queen có rất nhiều ca khúc nổi bật. Trên màn ảnh, đạo diễn phân bổ đều các bài hát. Những tác phẩm kinh điển như Somebody to LoveKiller Queen được dùng làm làm nhạc nền. Quá trình sáng tác Bohemian RhapsodyWe Will Rock YouAnother One Bites The Dust được lồng vào cốt truyện. Ở hồi kết, các ca khúc Radio Ga GaHammer to FallCrazy Little Thing Called Love và We Are the Champions trở thành điểm nhấn. Về quãng giọng, Malek không đủ khả năng thu tiếng trực tiếp toàn bộ bài hát của Freddie. Ê-kíp xử lý bằng cách hòa âm thanh của anh vào phần trình diễn của nhóm Queen ngoài đời và giọng của ca sĩ Marc Matel.

Trích đoạn trình diễn cao trào ở cuối phim.

Trích đoạn trình diễn cao trào ở cuối phim.

Các cảnh phim Bohemian Rhapsody mang tông màu nóng, đậm chất cổ điển. Ánh sáng sân khấu cùng phần thiết kế phục trang lấp lánh, bó sát của Freddie gợi nhớ thời kỳ hưng thịnh của rock ‘n roll và disco. Màn trình diễn cuối phim – khi nhóm Queen hát ở sân Wembley (London, Anh) trước hàng chục nghìn người – được dàn dựng hoành tráng. Trên Indiewire, chuyên gia kỹ xảo Tim Field cho biết đoàn phim sử dụng sáu máy quay để ghi hình riêng lẻ từng nhóm khán giả. Những cảnh này sau đó được đội dựng phim và kỹ xảo ghép nối, tạo ra đại cảnh với số lượng người đông đảo.

Dù có nhiều điểm sáng, Bohemian Rhapsody hơi thiếu chiều sâu ở giai đoạn Freddie bị AIDS. Tâm lý của anh lúc biết tin mắc bệnh hiểm nghèo được mô tả khá ngắn ngủi. So với Freddie, các thành viên khác của nhóm Queen được khắc họa một chiều với tâm lý đơn giản, hầu như phụ thuộc vào nhân vật chính mỗi khi ra quyết định. Phim khởi chiếu ở Việt Nam với nhãn C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).

Minh Dương

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN