Những hình ảnh, biểu tượng đặc trưng như Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ… được thu nhỏ lại trong một tấm thiệp giấy – Xứ Huế cùng hành trang mọi người đến khăp nơi. Đó là điều chàng kiến trúc sư trẻ – Lê Ngọc Tuấn Anh cùng các thành viên trong công ty “TayTa” đang mang lại cho ngành du lịch xứ Huế”.

Ba năm nuôi dưỡng “đứa con tinh thần”

Được biết, chàng kiến trúc sư sinh năm 1989 này đến với nghệ thuật Kirigami rất tình cờ. Trong một lần làm quà tặng cho người thân ở nước ngoài, Tuấn Anh làm mô hình kiến trúc về nhà thờ Dòng Chúa cứu thế nhưng lại cồng kềnh, khó có thể mang đi. Từ đó, người con mảnh đất Cố đô nghĩ cách xếp nhà thờ lại bằng nghệ thuật cắt giấy. Tìm hiểu trên mạng, mày mò tự làm, tác phẩm hoàn thành sau 4 tháng. Tuấn Anh chia sẻ, sau thời gian đó, em đam mê loại hình nghệ thuật này lúc nào cũng không hay, là kiến trúc sư mới ra trường, trong suốt 3 năm, nhận thiết kế công trình nào, em đều dồn tiền kiếm được vào nghệ thuật cắt giấy.

Cầu ngói Thanh Toàn (do Tayta sản xuất) bên công trình thật

Cầm trên tay tác phẩm Phu Văn Lâu được Lê Ngọc Tuấn Anh đưa, nhìn bên ngoài, không khác gì một tập bìa sơ mi cứng bằng khổ A4, nhưng khi mở ra, một công trình kiến trúc với không gian ba chiều hiện ra khiến ai mới xem lần đầu cũng ngạc nhiên thán phục. Trên tấm bìa ấy, Tuấn Anh còn vẽ tấm bản đồ thu nhỏ, lời giới thiệu ngắn gọn về đặc điểm, lịch sử ra đời của công trình để giúp người xem có thể hiểu về công trình ấy dù chưa từng đến. Kiến trúc sư trẻ này cho biết, để làm ra một tác phẩm là cả sự kỳ công và tỉ mỉ, phải đi khảo sát thực địa công trình, đo đạc để có bản vẽ sơ bộ, sau đó cân đối hài hòa tỷ lệ các kích cỡ để thiết kế bản vẽ cắt lớp trên máy tính cho chính xác, kế đến là cắt lớp bằng thủ công, xếp các mặt giao nhau cho khớp để có thể gấp lại được, sau khi lắp ráp thử thấy ổn, mang đi cắt laser để tác phẩm có được độ tinh xảo. “Với những bạn thiếu kiên nhẫn, không tỉ mỉ thì không nên theo công việc này, vì rất dễ nản chí” –anh chàng bộc bạch.

Mô hình được Tayta thu gọn trong tấm thệp

Mong muốn “mang xứ Huế đến khắp nơi trên thế giới”

Sự kết hợp giữa giấy và kiến trúc thông qua nghệ thuật xếp đặt để tạo nên không gian ba chiều của tác phẩm (khi được mở ra), tinh xảo và độc đáo là cảm nhận khi xem những tác phẩm của Tuấn Anh. Hiện tại, sau hơn một năm đạt giải nhất cuộc thi “khởi nghiệp sáng tạo Huế” và gần 11 tháng cùng nhóm bạn thành lập công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh Tayta (Tayta), với sự tiện lợi và độc đáo, sản phẩm của Tayta được nhiều người đón nhận, nhất là khách phương xa. Một số sản phẩm mang nét đặc trưng của Huế được Tuấn Anh cho sản xuất hàng loạt như Cầu ngói Thanh Toàn, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm, đền đài… được bày bán trên thị trường Việt Nam và một số quốc gia như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Canada…

Lê Ngọc Tuấn Anh tại Hội thi Sản phẩm và Quà tặng lưu niện Huế 2016

Tuấn Anh cho biết, việc giữ được chất liệu giấy của mô hình không bị hủy hoại do tác động ngoại cảnh cũng là một kỳ công, sau nhiều lần lặn lội từ Bắc vào Nam em mới chọn loại giấy canson vân gỗ có tính đàn hồi tốt, nhưng chi phí khá đắt. Mong ước biến các tác phẩm này thành một sản phẩm lưu niệm độc đáo của Huế, quảng bá du lịch cho quê hương, nhưng công ty vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau. Với việc vừa học, vừa làm của hơn 20 người, để duy trì công ty, các nguồn vốn đều phải huy động từ gia đình và sự quen biết. Sáu tháng đầu đều phải bù lỗ do các bạn chưa thạo việc, hiện tại công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng đồng lòng mọi người sẽ vượt qua, “ông chủ trẻ” trải lòng với ánh mắt đầy nghị lực.

Một trong những tác phẩm đặc trưng về Huế (do Tuấn Anh lên chi tiết)

Thiết nghĩ, với ý định phát triển công ty thành điểm đến để du khách trải nghiệm và làm thêm bộ sản phẩm về chi tiết tất cả các kiến trúc của Đại nội (khi ghép những sản phẩm nhỏ thành một sa bàn 2m2). Bên cạnh “sức sống” của giới trẻ thì rất cần sự chung sức về mọi mặt, từ nhiều phía để những tác phẩm nghệ thuật mang cốt cách, hương hồn xứ sở do Tayta sản xuất ra tìm được chỗ đứng vững trên thị trường.

Lê Ngọc Tuấn Anh cho biết, muốn tạo ra một sản phẩm không chỉ nhìn như thật mà phải có hồn, mang nét đặc trưng của Huế, vì thế đòi hỏi các chi tiết này phải có tỉ lệ thu nhỏ khớp với những chi tiết của công trình thật…

 

Hoàng Dương

baocongthuong

BÌNH LUẬN