Lấy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là lực lượng chính thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, những năm qua khuyến công Đồng Nai không chỉ dành nguồn lực mà còn tạo nhiều thuận lợi, ưu tiên cho lực lượng này mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn có 9.738 cơ sở CNNT, tăng cả về chất và lượng so với năm 2017. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở là hộ kinh doanh cá thể, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đầu tư chủ yếu từ các nguồn tự có nên mức đầu tư còn thấp.

dong nai uu tien doanh nghiep san xuat kinh doanh
Ứng dụng máy móc tiên tiến hiện đại vào sản xuất

Số liệu từ Sở Công Thương Đồng Nai cũng cho thấy, từ năm 2016 – 2017, vốn đầu tư của khu vực CNNT chỉ đạt bình quân 717 triệu đồng/cơ sở. Đây là mức đầu tư không cao, phản ánh năng lực nội sinh của các cơ sở CNNT còn nhiều hạn chế.

Nhìn rõ những yếu điểm trên, những năm qua, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh cải thiện năng lực sản xuất. Chỉ riêng năm 2018, khuyến công Đồng Nai được phân bổ 4,2 tỷ đồng cho triển khai các nội dung. Từ nguồn vốn này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã hỗ trợ 16 cơ sở CNNT đầu tư, ứng dụng máy móc tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Các đề án này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho cơ sở.

Tiêu biểu, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) đầu tư hệ thống máy bóc vỏ hạt sen tươi và máy sấy nông sản đảo chiều gió. Với tính năng bóc vỏ sạch, nhanh, thiết bị mới đã giúp cơ sở giảm tới 50% chi phí nhân công, tăng năng suất và giảm hao hụt nguyên liệu.

Ngoài ra, trung tâm cũng hỗ trợ cơ sở Phở Hoàng (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh phở, hủ tiếu khô. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư là hệ thống sấy sử dụng băng tải lưới tự động và buồng đốt dầu diesel lấy nhiệt gián tiếp cho máy sấy theo nguyên lý nhiệt gió. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, chất lượng sản phẩm sau khi đầu tư hệ thống máy sấy đã vượt ngoài mong đợi khi có độ ổn định cao, tiết giảm 40% chi phí, năng suất tăng gấp 1,5 lần. Quan trọng hơn, cơ sở có thể chủ động thời gian giao hàng.

Sự hỗ trợ tích cực của chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT trên địa bàn thay đổi đáng kể diện mạo. Ngành CNNT theo đó cũng thu được những kết quả khả quan. Năm 2018, giá trị sản xuất CNNT của tỉnh đã tăng 5,8% so với cùng kỳ, đạt 59.898 tỷ đồng.

Với mục tiêu đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có thêm 250 doanh nghiệp CNNT, giá trị sản xuất CNNT tăng, đạt 70.400 tỷ đồng, Sở Công Thương Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, để khắc phục những yếu kém về nguồn lực nội tại của các cơ sở CNNT, tình trạng thiếu nhân lực do chuyển dịch cơ cấu lao động, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của hoạt động khuyến công; khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia thực hiện chương trình khuyến công bằng nguồn vốn tự có.

Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, bổ sung và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực khuyến công. Xây dựng cơ sở dữ liệu về CNNT từ đó quản lý sát sao hơn. Thực hiện đề án có quy mô lớn, ưu tiên triển khai trong các lĩnh vực, ngành, nghề tỉnh có thế mạnh.

Từ năm 2016-2018, khuyến công Đồng Nai được phân bổ 14 tỷ đồng cho triển khai các chương trình, đề án khuyến công, từ đó hỗ trợ đáng kể cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Hải Linh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN