Nhu cầu muốn được trải nghiệm sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng khiến vai trò của các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ.

Với sự phát triển của công nghệ, việc mua sắm giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần vài cú click chuột, người tiêu dùng có thể chọn được những món đồ mình yêu thích dù nó đang được bán tại Việt Nam hay nước ngoài. Kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2015 của Bộ Công thương cho hay, trung bình một người Việt Nam chi 160 USD cho việc mua sắm qua mạng mỗi năm. Thậm chí nhiều người còn cho rằng khi thương mại điện tử phát triển đến một lúc nào đó, nó có thể sẽ “giết chết” các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của bán hàng trực tuyến nên ngay từ khi ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của mình, Bkav đã tuyên bố chỉ bán Bphone qua mạng.

Theo thống kê của nhà sản xuất, đã có gần 12.000 chiếc Bphone được đặt mua trong đợt mở bán sản phẩm đầu tiên – một con số tuy không lớn nếu so sánh với các smartphone nổi tiếng khác, nhưng cũng đủ khiến các thương hiệu điện thoại Việt như MobiiStar hay Q-Mobile ao ước.

Bkav từng áp dụng chiến lược chỉ bán Bphone qua mạng

Chiến lược của Bkav được cho là học theo hãng smartphone Xiaomi của Trung Quốc. Việc bán hàng trực tuyến giúp Xiaomi tiết kiệm được chi phí thuê địa điểm và nhân công, nhờ đó giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn. Trong những năm đầu thành lập, chiến lược này đã giúp Xiaomi đạt được thành công rực rỡ và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple.

Tuy nhiên, việc tập trung vào bán hàng online chỉ phát huy hiệu quả ở một thời điểm nhất định, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của Xiaomi ngày càng đi xuống. Trong khi đó, các đối thủ nội địa của công ty lại gặt hái thành công với chiến lược ngược lại: mở rộng các kênh bán lẻ truyền thống qua các cửa hàng và nhà phân phối.

Nhận ra điều này, Xiaomi bắt đầu mở thêm các cửa hàng offline nhằm cạnh tranh doanh số và duy trì thị phần. Trang CNBC cho biết, hãng công nghệ Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai 2.000 cửa hàng mới trên khắp thế giới trong 3 năm tới. Một nửa số cửa hàng đó sẽ được mở ở nước ngoài với các đối tác và một nửa sẽ được công ty quản lý và điều hành ở Trung Quốc.

Xiaomi từng áp dụng chiến lược chỉ bán hàng trực tuyến nhưng sau đó đã phải mở thêm hàng offline

Quay lại với câu chuyện của Bkav và Bphone, sau buổi lễ ra mắt hoành tráng và những con số ấn tượng về doanh số ban đầu, tên tuổi của chiếc smartphone được giới thiệu “tốt nhất thế giới” ngày càng hạ nhiệt. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc số lượng máy trưng bày quá ít khiến người dùng không thể trải nghiệm trước khi quyết định mua hàng. Để cải thiện tình hình, Bphone bắt đầu được phân phối tại một số cửa hàng bán lẻ nhưng kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan.

Rút kinh nghiệm trong lần ra mắt smartphone đầu tiên, Bkav đang lên kế hoạch hợp tác với hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay – Thế giới di động để bán Bphone 2. Với 1.200 cửa hàng trên khắp cả nước, Thế giới di động được cho là kênh phân phối tuyệt vời giúp Bphone tiếp cận người tiêu dùng.

Dẫu biết để Bphone 2 thành công còn cần nhiều yếu tố bên cạnh kênh phân phối, nhưng động thái của Bkav hay bài học từ Xiaomi cho thấy các cửa hàng truyền thống vẫn có vai trò rất quan trọng đối với ngành bán lẻ hiện nay.

Cái bắt tay của Bkav và Thế giới di động liệu có tạo nên thành công cho Bphone 2?.Ảnh: Hiểu Em

Tại diễn đàn “Phát triển ngành bán lẻ” do Forbes Việt Nam tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Digital Retail khẳng định, dù bán hàng online đang trên đà phát triển nhưng các cửa hàng truyền thống”vẫn còn đất sống”.

Ông Bảo cho rằng, vẫn còn một số đối tượng thích mua sản phẩm tại các cửa hàng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Họ có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh online nhưng vẫn thích đến trải nghiệm trực tiếp trước khi mua hàng.

Theo ông Bảo, thương mại truyền thống sẽ không mất đi mà nó sẽ được hỗ trợ bởi kênh bán hàng trực tuyến (online) để trở thành mô hình bán hàng đa kênh (omni-channel).

Lấy dẫn chứng một cuộc khảo sát tại Mỹ, ông Bảo cho biết có đến 67% Gen-Z (thế hệ từ 13-21 tuổi, sinh ra với smartphone và Internet) vẫn thường xuyên đến cửa hàng truyền thống, 31% vẫn thỉnh thoảng đến các cửa hàng truyền thống.

Theo ndh.vn

BÌNH LUẬN