Mẹ bầu cần đảm bảo khẩu phần ăn ít nhất 400 mcg axit folic mỗi ngày góp phần ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, dị tật thai nhi.

Axit folic (folate hoặc vitamin B9) giúp các tế bào tăng trưởng và phát triển, quan trọng đối với phụ nữ trước và trong khi mang thai. Nếu mẹ bầu không cung cấp đủ axit folic sẽ có nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, dễ mắc chứng rồi loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ khi sinh ra cũng dễ mắc các bệnh về thần kinh như nứt đốt sống, vô sọ, bệnh tim mạch, hở hàm ếch.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu cung cấp đủ axit folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ hạn chế được 70% các trường hợp dị tật ống thần kinh. Loại vitamin này có thể có tác dụng nếu như được sử dụng trước khi thụ thai và trong giai đoạn sớm của thai kỳ.

Bên cạnh việc phòng ngừa dị tật bẩm sinh, khi mang thai các chị em cần thêm một lượng axit folic cho quá trình tạo máu, nếu thiếu có thể gây nguy cơ cao huyết áp thai kỳ.

Acid folic có liên quan đến quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Xin nguồn ảnh. 
Axit folic có liên quan đến quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Ảnh: Shutterstock.

Mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ chất, các thực phẩm giàu dưỡng chất này có thể kể đến như cam, sữa hoặc chế phẩm từ sữa, măng tây, rau bina, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu tương, khoai tây, ngũ cốc thô, quả bơ…

Tuy nhiên, loại vitamin này lại dễ mất đi trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Do nhu cầu axit folic của mẹ sẽ tăng cao khi mang thai nên chế độ ăn thông thường không đáp ứng đủ. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung axit folic 400 mcg mỗi ngày theo khuyến nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai nên bắt đầu bổ sung đủ axit folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai hoặc uống ngay sau khi biết mình mang thai và sau sinh một tháng.

Khi mang thai 3 tháng đầu liều bổ sung được khuyến cáo mỗi ngày là 400 mcg, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 là 600mcg, khi cho con bú 500 mcg.

Những phụ nữ có nguy cơ cao (tiền sử họ hàng bị dị tật ống thần kinh hoặc từng mang thai dị tật ống thần kinh) cần bổ sung với liều lượng cao hơn. Ngoài ra, mẹ bầu bị tiểu đường, động kinh, có thể cả người béo phì cũng có nguy cơ gia tăng mang thai bị dị tật ống thần kinh. Do đó, việc bổ sung axit folic ở những mẹ bầu này phải thận trọng và cần được bác sĩ theo dõi, có chỉ định cụ thể.

Axit folic có trong thực phẩm nhưng thường sẽ không đủ cho nhu cầu của mẹ bầu. 
Axit folic có trong thực phẩm nhưng thường sẽ không đủ cho nhu cầu của mẹ bầu. Ảnh: Shutterstock. 

Thông thường, axit folic dư sẽ được thải ra nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng mẹ bầu cần nhớ rằng không dùng quá liều 1.000 mcg mỗi ngày và suốt một thời gian dài vì có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, có vị lạ trong miệng, phấn kích.

Thiếu vitamin B12 do sử dụng axit folic liều cao sẽ rất khó xác định, dẫn đến việc không kịp thời bổ sung vitamin B12, gây nên tình trạng thiếu máu hồng cầu khổng lồ, rối loạn dẫn truyền thần kinh.

Thời điểm thích hợp để bổ sung axit folic là khoảng cách nghỉ giữa hai bữa ăn. Không uống viên bổ sung axit folic cùng trà, cà phê, rượu bởi nó làm giảm khả năng hấp thụ.

Tác dụng phụ của mẹ khi uống axit folic có thể là táo bón. Mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, rau củ và uống nhiều nước để phòng hiện tượng táo bón khi mang thai.

Lựa chọn viên uống vitamin tổng hợp để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi, trong đó có axit folic là vấn đề khó của hầu hết sản phụ khi thị trường có nhiều sản phẩm. Mẹ bầu chỉ nên sử dùng những loại vitamin tổng hợp có xuất xứ rõ ràng, cung cấp với liều lượng vừa đủ, tránh quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt.

Kim Uyên

Theo Ngoisao.net

BÌNH LUẬN