Số liệu về tỷ lệ nợ xấu được Kiểm toán Nhà nước đưa ra là 8,85%, gấp hơn 3 lần so với con số mà Ngân hàng Nhà nước từng công bố 2,55%.

Tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước và 8 tổ chức tài chính, ngân hàng… vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội cho thấy, đến 31/12/2015 tỷ lệ nợ xấu đầy đủ toàn hệ thống là 476.860 tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ tín dụng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu này được tính đầy đủ, gồm nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu đầy đủ mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra cao hơn gấp hơn 3 lần so với con số mà Ngân hàng Nhà nước từng công bố là 2,55% đến hết năm 2015.

“Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Kiem toan Nha nuoc: No xau ngan hang nam 2015 la 8,85%

Tỷ lệ nợ xấu năm 2015 được tính toán đầy đủ của hệ thống ngân hàng, theo Kiểm toán Nhà nước là 8,85%, gấp hơn 3 lần con số Ngân hàng Nhà nước công bố.

Báo cáo Kiểm toán cũng nêu rõ, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp. Tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 là 22.902 tỷ đồng, chỉ chiếm 10,4% dư nợ đã mua.

Ở một số ngân hàng cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc “sức khoẻ” tài chính yếu kém, như Ngân hàng Đông Á, Công ty Tài chính Cổ phần Handico, Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy, Công ty Cho thuê tài chính Công nghiệp Tàu thủy, Công ty Cho thuê tài chính ALC II… Ngoài ra còn có 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng trong giai đoạn này, là GPBank, Ocean Bank và CB Bank.

 

Ngoài tỷ lệ nợ xấu đầy đủ cao, nhiều ngân hàng trong hệ thống còn tồn đọng các khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật như ACB, Eximbank, Sacombank, CBBank, GPBank, Ocean Bank. Việc xử lý, thu hồi các khoản nợ này hết sức khó khăn.

 

Một số tổ chức tín dụng như Maritime Bank. Agribank… trong thời gian tái cơ cấu chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng. Nhiều tổ chức tín dụng đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn, thể hiện qua số lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại. Tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng, trong đó: SCB là 21.477 tỷ đồng, Sacombank 6.684 tỷ đồng, VietinBank 4.280 tỷ đồng, BIDV 1.263 tỷ đồng, Agribank 1.272 tỷ đồng…

Theo Nguyễn Hoài/VnExpress

BÌNH LUẬN