Nước mía tốt nhất nên uống vào buổi chiều, không nên trộn với các loại trái cây khác và tuyệt đối không uống sau khi để qua đêm.

Nước mía là loại đồ uống giải khát quen thuộc vào mùa hè ở cả ba miền, cũng như ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới. Vị ngọt, thanh mát, thơm, uống kèm đá có thể giúp xua tan cơn khát giữa ngày nóng nực. Nước mía có giá bình dân, thông thường thực khách phải mua ở ngoài hàng vì mía không dễ để chế biến tại nhà do khá cứng.

Tác dụng của nước mía

– Giải nhiệt: theo Đông y, mía có tính mát, có thể giúp cơ thể thanh nhiệt, thải độc.

– Ngăn sỏi thận, giải độc gan: những người uống nước mía thường xuyên có thể giúp việc đào thải của thận và gan được cải thiện, nhất là vào ngày nóng nực.

– Nâng cao hệ miễn dịch: trong nước mía có chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, tăng cường hệ miễn dịch.

– Nước mía có đường glucose tự nhiên, giúp cơ thể có năng lượng, giảm mệt mỏi, ngất xỉu, đặc biệt là trong những ngày nhiệt độ cao, cơ thể dễ mất nước, uể oải.

Những điều chưa biết về nước mía

– Hỗ trợ tiêu hóa: nhờ chứa một lượng kali, nước mía có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, cải thiện chức năng và ngăn ngừa bệnh dạ dày, táo bón…

– Chống ung thư: các chất trong nước mía như canxi, magie, kali, sắt, mangan… giúp cơ thể ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các chứng bệnh ung thư.

– Hỗ trợ giảm cân, giảm cholesterol xấu: nước mía không chứa cholesterol, thậm chí có thể chống lại cholesterol xấu có trong máu, hỗ trợ giảm cân dễ dàng.

Uống đúng cách và bảo quản:

Khá lành tính và dễ uống nhưng việc bảo quản nước mía cũng cần nhiều lưu ý. Nước mía rất dễ hỏng nếu đã được ép thành nước và để ngoài trời nóng. Bạn cũng không nên mua loại nước mía sẵn đóng chai vì không biết chính xác nước được ép từ khi nào, bảo quản có đủ nhiệt độ hay không.

Tốt nhất là uống trực tiếp ngay sau khi ép. Nếu không uống hết, bạn cần cho ngay vào tủ để bảo quản. Ngay cả khi đã cho vào tủ lạnh, bạn cũng chỉ nên để tối đa là một buổi để nước mía vẫn còn hương vị thơm ngon. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nước mía nên uống vào buổi chiều tốt hơn buổi sáng.

Ngày nay, nhiều quán thu hút thực khách bằng việc bỏ thêm các loại topping cho cốc nước mía thêm hấp dẫn như trân châu, dừa nạo, dừa khô, các loại thạch, hạt… Tuy nhiên, chúng thường có vị ngọt, kết hợp với nước mía vốn dĩ đã chứa nhiều đường, có thể không tốt cho sức khỏe.

Những điều chưa biết về nước mía  - 2

Để dậy mùi thơm, hầu hết các quán nước mía đều ép cùng với quất hoặc chanh, tuy nhiên không nên chọn quán cho quá nhiều các thành phần này. Chúng có thể làm át đi vị ngọt thanh của mía, thậm chí còn khiến nước mía nhanh hỏng hơn. Bạn cũng không nên uống nước mía được trộn với các loại trái cây khác, vừa mất đi vị ngon của mía, tăng lượng đường và còn khiến đồ uống nhanh có vị chua, hỏng.

Tác hại của việc bảo quản không đúng cách

Nước mía có tính hàn, lượng đường cao, lại cộng với việc bỏ chung với đá hoặc để lâu trong tủ lạnh rất dễ khiến bạn bị lạnh bụng, đau bụng sau khi uống. Nếu là người thể hàn, bạn cần lưu ý không nên để nước mía quá lạnh hoặc uống quá nhiều để tránh bị tiêu chảy. Mỗi ngày chỉ nên uống 100-200 ml nước mía, tùy thể trạng. Những người tỳ vị hư yếu, đầy bụng đi lỏng, bị tiểu đường không nên uống nước mía vì chúng không tốt cho thể trạng của bạn.

Đặc biệt, bạn không nên để nước mía qua đêm trong tủ lạnh bởi các vi sinh vật gây hại có điều kiện phát triển. Người có cơ địa yếu, uống phải nước mía nhiễm khuẩn dễ gặp phải rắc rối với sức khỏe, thậm chí là nhiễm độc nguy hiểm tính mạng.

SuZi Nguyễn tổng hợp

Theo Ngoisao.net

BÌNH LUẬN