Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 18/4/2019 đã thu hút 400 DN và các hiệp hội ngành hàng tham gia. Dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, hội nghị đã lắng nghe và tiếp tục tháo gỡ các ý kiến khó khăn về tiếp cận nguồn vốn của DN thành phố trên nhiều lĩnh vực.

Hiệu quả tiếp cận vốn từ chương trình kết nối ngân hàng – DN

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN – đã chia sẻ một số kết quả từ chương trình hỗ trợ phát triển DN của Chính phủ với 6 nhóm giải pháp trong thời gian qua, đã giúp cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vốn vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

ngan hang nha nuoc tiep tuc thao go ve von cho doanh nghiep tp ho chi minh
400 DN và hiệp hội ngành hàng đã tham dự Hội nghị kết nối ngân hàng – DN ngày 18/4/2019 tại TP. Hồ Chí Minh

Đơn cử như lĩnh vực DN nhỏ và vừa, tính đến cuối năm 2018, dự nợ tín dụng đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng khoảng 18% với gần 200.000 DN còn dư nợ. 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%.

Ông Hùng nhìn nhận: Riêng TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN có hiệu quả. Cụ thể, năm 2018 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đã cho vay vốn theo chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng. Trong đó giải ngân cho vay gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung và dài hạn xoay quanh 9%/năm.

ngan hang nha nuoc tiep tuc thao go ve von cho doanh nghiep tp ho chi minh
Đại diện các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ký kết các gói hỗ trợ vốn trong năm 2019

Chia sẻ thêm về kết quả kết nối ngân hàng và DN tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Đến cuối năm 2018, các ngân hàng thương (NHTM) đăng ký gói tín dụng đã giải ngân cho vay vốn tới 10.092 khách hàng với tổng số tiền 269.493 tỷ đồng, vượt cam kết ban đầu trên 9.000 tỷ đồng. Năm 2019 đã có 15 NHTM đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng ký theo gói tín dụng năm 2019 là xấp xỉ 270.000 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/3/2019 các ngân hàng đã giải ngân 9.122 tỷ đồng với trên 1.000 khách hàng.

Ngoài những hiệu quả trên thì theo ông Hùng vẫn còn những khó khăn vướng mắc của chương trình kết nối ngân hàng và DN như: công tác cải cách thủ tục hành chính và hoạt động hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Về phía các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, cách quản trị DN còn yếu, hạch toán kế toán còn thiếu minh bạch, thiếu dự án khả thi… nên khó tiếp cận nguồn vốn.

DN nhiều lĩnh vực tại TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục hỗ trợ vốn

ngan hang nha nuoc tiep tuc thao go ve von cho doanh nghiep tp ho chi minh
Bà Ngọc Hà đại diện Công ty San Hà phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh – nhận xét: Kết quả kết nối thời gian qua đã tạo được bước thay đổi cơ bản tích cực là các NHTM đã chủ động tìm đến và kết nối với DN chứ không như giai đoạn trước đây tiếp cận vốn ngân hàng rất khó. Tuy nhiên hiện DN nhỏ và vừa vẫn đang băn khoăn làm sao các NHTM đánh giá DN nâng tỷ lệ tín chấp nhiều hơn dựa trên các vị trí ngành nghề dẫn đầu của họ. Vì DN nhỏ và vừa doanh số tuy không cao nên tỷ lệ rủi ro không lớn nhưng họ lại đóng góp rất nhiều. Theo ông Việt Anh, sắp tới các NHTM nên ưu tiên hơn tín dụng vay ngoại tệ cho DN xuất khẩu. Các ngân hàng không nên xa cách các DN quá nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc tài chính Công ty Cơ khí Đại Dũng chia sẻ nhiều khó khăn DN này đang gặp phải. Cụ thể, doanh thu Đại Dũng năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng, dự kiến 2019 là 4.200 tỷ đồng, xuất khẩu 60 – 80 triệu USD/năm. Đây cũng là công ty tham gia xây dựng sân vân động WorldCup tại Qatar 2022. Tuy nhiên nguồn vốn tài trợ mà ngân hàng áp dụng lãi suất 8,8% cho kỳ hạn 6 tháng là quá khó khăn cho DN. Việc bảo mật thông tin của khách hàng như nợ quá hạn, tổng dư nợ… của ngân hàng khiến thông tin khó kiểm định khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng; rất khó khăn thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn do thiếu hạn mức bảo lãnh, thiếu kỹ năng để tư vấn; DN phải cần rất nhiều tài sản để thế chấp hay tài sản là đất thuê trong KCN nhiều chục năm rất có giá trị mà không được tính là tài sản thế chấp làm giảm năng lực tài chính của DN; Việc tăng hạn mức lớn rất khó khăn…

Trước những khó khăn đó, ông Hậu kiến nghị hỗ trợ vốn lưu động cho các hợp đồng trong nước và xuất khẩu với chi phí giảm xuống cho DN; Hỗ trợ chi phí chuyển tiền đang bị tăng lên; Hỗ trợ phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng với nước ngoài, việc kiểm tra xử lý và phát hành của ngân hàng Việt Nam là rất chậm; kiến nghị giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo và sửa đổi cơ chế công nhận quyền thuê đất trong KCN được tính làm tài sản đảm bảo.

Đại diện Tập đoàn Xuân Nguyên chuyên sản xuất mật ong chất lượng cao cho biết: hiện lãi suất các DN trong lĩnh vực nông nghiệp ở câu lạc bộ DN nông nghiệp công nghệ cao đang vay ở mức ngắn hạn thấp nhất là 8,8%/năm và cao nhất 11,8% /năm. Đây là mức lãi suất quá cao đối với các dự án đầu tư nông nghiệp. Trong khi tài sản các dự án nông nghiệp chủ yếu là đất nông nghiệp định giá rất thấp nhưng đến khi cho vay chỉ đạt 50% so với mức thẩm định giá khiến DN rất khó khăn về nguồn vốn hoạt động.

Cụ thể như khó khăn của Tập đoàn Xuân Nguyên khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình. Cho đến năm 2015 công ty chưa sử dụng đồng vốn nào của ngân hàng. Sau đó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn, Xuân Nguyên được mở gói tín dụng 50 tỷ. Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm đổi lãnh đạo mới 3 lần và chính sách thay đổi theo lãnh đạo. Ngân hàng đã liên tục yêu cầu Xuân Nguyên chuyển toàn bộ doanh thu 15.000 khách hàng trên toàn quốc về ngân hàng này trong vòng vài tháng thì mới đồng ý giải ngân tiếp.

Việc chính sách thay đổi đột ngột chẳng khác nào DN đang tiếp máu bị ngưng đột ngột sẽ dễ làm DN… đột quỵ. Trong khi mật ong 1 năm chỉ thu mua 1 mùa, công ty phải trữ hơn 100 tấn hàng để phục vụ cho xuất khẩu và nội địa. Nhưng khi ngân hàng siết tín dụng DN đã phải bán hết cho nước ngoài nên không thể đưa và giữ sản phẩm tốt nhất cho thị trường.

Trả lời vướng mắc khó khăn vốn vay và lãi suất của mật ong Xuân Nguyên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, vốn cho nông nghiệp trên toàn quốc là dưới 6%/năm, vì vậy ngân hàng nào cho Xuân Nguyên vay cần phải xem xét lại.

Ông Nguyễn Đăng Hiến – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh (Bibrico) – cho biết: Sản phẩm nước chanh muối truyền thống của DN được lựa chọn vào sản phẩm chủ lực của thành phố. Tuy nhiên đề nghị cấp giấy là sản phẩm chủ lực để DN có thể truyền thông tốt hơn ở thị trường trong nước và nước ngoài. Ông Hiến cũng đề nghị tiếp tục được hỗ trợ gói tín dụng vốn vay ưu đãi và hỗ trợ diện tích trồng chanh sạch để mở rộng xuất khẩu. Vì hiện sản phẩm của công ty đã xuất qua châu Âu, Đức, Mỹ, Đài Loan…

Ngoài ra, đại diện của nhiều DN lớn, nhỏ của TP. Hồ Chí Minh như: Ba Huân, San Hà, hộ nuôi cá giống tại Củ Chi… cũng chia sẻ những hỗ trợ tích cực mà chương trình kết nối ngân hàng – DN mang lại và đề nghị các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho DN TP. Hồ Chí Minh mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao hàng loạt các ý kiến đóng góp từ phía DN để các ngân hàng cùng ngồi lại tháo gỡ khó khăn với DN. Ông Tú cũng khẳng định, chính sách sắp tới của NHNN để DN hoàn toàn yên tâm đó là: lãi suất tiếp tục giữ ổn định không tăng, tỷ giá tiếp tục ổn định với quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia ngày càng tăng; vốn dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ được đáp ứng một cách cao nhất.

Minh Long -Thanh Thanh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN