Chia sẻ trong sự kiện AI4VN ngày 16/8 ở Hà Nội, ông Peter Vesterbacka cho rằng con người là nguồn lực quan trọng nhất và không nên lo ngại AI.

“Chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai. Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Nhưng sẽ có nhiều việc mới nảy sinh, quan trọng là cần tăng cường nhận thức cho giới trẻ”, ông Vesterbacka, đồng sáng lập Fun Academy và Rovio – công ty phát triển trò chơi Angry Birds, nhấn mạnh. “Đất nước Phần Lan của tôi là một nước nhỏ, chỉ khoảng 5 triệu dân, gần như không có tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi đã đặt câu hỏi nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước là gì và nhận thấy con người là tài nguyên quý giá nhất”.

Ông Peter Vesterbacka tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) ở Hà Nội.
Ông Peter Vesterbacka tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) ở Hà Nội.

Trước sự bùng nổ của các giải pháp trí tuệ nhân tạo, viễn cảnh AI có thể khiến nhiều người mất việc thường xuyên được các nhà khoa học đề cập tới. Trong tương lai, các giao dịch trên thị trường chứng khoán và giao dịch ngân hàng có thể chạy tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Nghề lái xe sẽ biến mất với sự phổ biến của xe tự hành. Người máy AI sẽ chăm sóc người già, nhà khoa học AI sẽ giải quyết các vấn đề hóc búa, tàu vũ trụ AI sẽ tiến đến các hành tinh xa xôi…

Ông Vesterbacka cho rằng, trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ lâu và xét về góc độ lịch sử, AI ko phải là điều mới mẻ. Từ cách đây 150 năm, AI đã xuất hiện trong những câu chuyện mang tính tưởng tượng và hơn 600 năm qua, máy móc cũng đã hỗ trợ và thay thế con người.

“AI một mặt lấy đi công việc của con người, nhưng mặt khác lại tạo ra những công việc mới, cơ hội mới cho giới trẻ. Chúng ta cần chuẩn bị để theo kịp sự phát triển, xác định con người là trung tâm, là nguồn lực trong quá trình xây dựng AI. Con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc, chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai”, ông Vesterbacka nhấn mạnh.

Theo ông, ngay từ lúc này, giáo dục đào tạo phải hướng đến AI, trang bị kỹ năng cần thiết, phát huy sự sáng tạo, tưởng tượng… cho giới trẻ để theo kịp những thay đổi trong thời gian tới.

Ông cũng nêu ra mô hình ba chữ E (Entertainment/Giải trí – Education/Giáo dục và Entrepreneurship/Lập nghiệp) được ứng dụng tại Phần Lan. Hệ thống giáo dục cần tính sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển. Tinh thần kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh trong giới trẻ để bắt kịp sự vận động của thế giới. Theo ông, trong thời đại 4.0 và trí tuệ nhân tạo, cần đầu tư vào cái gốc là giáo dục để đi xa hơn, nhanh hơn.

Peter Vesterbacka là cựu Giám đốc thương hiệu của Rovio Entertainment, công ty phát triển trò chơi di động Angry Birds nổi tiếng trên toàn cầu. Ông chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh của Rovio và tham gia tạo ra Angry Birds cùng hơn 50 trò chơi khác. Năm 2011, tạp chí Time chọn Peter Vesterbacka vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Sau khi rời Rovio, ông tiếp tục là một doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và sáng lập ngày hội khởi nghiệp Slush – một trong những sự kiện về khởi nghiệp lớn và uy tín nhất hành tinh.

Châu An

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN