Cho rằng việc đánh giá lại là “bình thường” nhưng Giám đốc ADB nhận xét mức điều chỉnh tới 25% GDP của Việt Nam “là khá lớn”.

Nhận định này được ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu tại buổi công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019 sáng nay (25/9).

Nhìn nhận việc đánh giá lại là bình thường nhưng ông Eric Sidgwick cho rằng, GDP Việt Nam giai đoạn 2011-2017 tăng 25,4% sau tính toán lại “là khá lớn”. Theo ông, sự cải thiện trong hoạt động thống kê của chính phủ có thể đã dẫn đến sự thay đổi này.

Ông nói, nhiều nước trên thế giới cũng từng làm điều này và cho ra kết quả chênh lệch lớn. “Lần cuối cùng Việt Nam điều chỉnh GDP là từ năm 2013. Ở một quốc gia đang tăng trưởng khá cao và vẫn đang cải tổ cấu trúc, việc này không hoàn toàn đáng ngạc nhiên”, ông Sidgwick cho biết.

Tuy nhiên, việc này sẽ khiến nhiều số liệu bị ảnh hưởng, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. “Nó sẽ không thay đổi nợ công danh nghĩa, nguồn thu của chính phủ và nhiều chỉ số khác”, ông Sidgwick nói.

Công nhân trong một nhà máy may ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Reuters

Công nhân trong một nhà máy may ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Reuters

Quan điểm của ADB khá tương đồng với một số học giả trong nước. PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng những điều chỉnh này sẽ không có ý nghĩa với hiện tại. “Bản chất nền kinh tế đã diễn ra như thế nào thì sẽ vẫn như vậy. Tuy nhiên, những tác động đến tương lai mới là điều đáng ngại”, ông nói.

Cụ thể, các chỉ tiêu kinh tế neo vào GDP sẽ thay đổi về hình thức theo nghĩa tích cực hơn. Khi mẫu số tăng lên, các chỉ tiêu điều hành neo trên GDP sẽ giảm xuống tương ứng. Những con số “tích cực hơn” về mặt hình thức nhưng có thể “nới rộng hơn dư địa chi tiêu, đầu tư và vay nợ”.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc đánh giá lại nền kinh tế phải đi kèm với điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP. Quy mô kinh tế tăng tới 25,4%, nếu không điều chỉnh các giới hạn, con số tuyệt đối có thể gia tăng quá nhanh. Quốc hội và Chính phủ cần điều chỉnh để mức trần tính theo số tuyệt đối “có thể tăng nhưng không gây ra sự mất cân bằng”.

Báo cáo của ADB công bố hôm nay nhận định kinh tế Việt Nam vẫn vững mạnh trong năm nay và năm tới, dù môi trường bên ngoài nhiều thách thức. Tăng trưởng 2019 được dự báo là 6,8%, giữ nguyên so với báo cáo tháng 4. Năm sau, tốc độ này giảm nhẹ về 6,7%.

Dự báo của ADB cao hơn so với Ngân hàng Thế giới (WB). Hồi tháng 7, báo cáo Điểm lại của WB cho rằng GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,6% năm nay và 6,5% năm sau. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra năm nay vào khoảng 6,6 – 6,8%.

Nhu cầu nội địa tăng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là hai động lực tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua. “Triển vọng tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục sáng sủa, nhờ thu nhập tăng, tình hình việc làm tốt và lạm phát duy trì ở mức thấp”, ông Sidgwick cho biết.

Lạm phát năm nay được ADB điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống 3%. Năm tới, tốc độ này được dự báo tiếp tục giảm, về 3,5%.

Kinh tế trưởng ADB Việt Nam – Nguyễn Minh Cường cho rằng trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam có hai điểm sáng. Đó là tiêu dùng nội địa ngày càng có vai trò lớn và xuất khẩu của các công ty trong nước tăng. Việc này cho thấy nền kinh tế đang có sự chuyển dịch, từ phụ thuộc vào thị trường nước ngoài sang dựa vào thị trường trong nước, và từ phụ thuộc doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa.

ADB nhận định, Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trong thương mại và đầu tư. Việc Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư công cũng sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn.

Dù vậy, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu chấm dứt và kinh tế toàn cầu đi xuống  có thể kéo tụt thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, các tác động của bất ổn tại Trung Đông lên giá dầu cũng cần được theo dõi sát.

Đề cập đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và hàng loạt ngân hàng trung ương nước khác hạ lãi suất gần đây, ADB cho biết họ chưa nhận thấy tác động lớn với Việt Nam. “Kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và tiền đồng không biến động nhiều”, ông Sigwick cho biết. Ông nhận định việc các nước hạ lãi suất không phải yếu tố gây bất ổn và đã được dự báo từ trước. Điều khó đoán và cần theo dõi hiện tại là diễn biến dầu mỏ tại Trung Đông.

Về khả năng Việt Nam mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, ADB cho rằng việc này còn quá sớm để đánh giá, vì Việt Nam mới vào nhóm này 9 năm và vẫn đang tăng trưởng tốt. Ông Sidgwick nhận định quá trình dịch chuyển sẽ không dễ dàng. Việt Nam cần tập trung vào 5 lĩnh vực: cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo kỹ năng lao động và phát triển nhân lực, tạo cơ hội cho lĩnh vực tư nhân, tăng hiệu quả quản trị nhà nước và giảm tác động từ biến đổi khí hậu.

Hà Thu

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN