Trong phim tình cảm pha hài, lòng mưu cầu hạnh phúc cá nhân của phương Tây va đập với quan điểm hy sinh vì gia đình của Á Đông.

Tác phẩm do Jon M. Chu đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Kevin Kwan. Từ tháng 8 đến nay, phim khuynh đảo Bắc Mỹ với ba lần đứng đầu phòng vé. Câu chuyện xoay quanh Rachel Chu (Constance Wu đóng) – nữ giáo sư kinh tế học, nghiên cứu về lý thuyết trò chơi ở đại học New York (Mỹ). Cô được bạn trai tên Nick Young (Henry Golding đóng) mời về Singapore ra mắt gia đình anh, đồng thời dự đám cưới một người bạn. Đến nơi, Rachel phát hiện gia đình người yêu thuộc hàng giàu nhất châu Á với cuộc sống gần như vương giả. Tuy nhiên, rắc rối xuất hiện khi Eleanor (Dương Tử Quỳnh đóng) – mẹ của Nick – cho rằng Rachel không xứng trở thành con dâu bà.

Trên nền cấu trúc quen thuộc của phim tình cảm pha hài Hollywood, Crazy Rich Asians phản ánh xung đột quan điểm Đông – Tây. Nhân vật Rachel, như bạn cô gọi, thuộc “thế hệ chuối”, tức vỏ vàng, ruột trắng. Cô lớn lên ở Mỹ cùng mẹ và sống theo những chuẩn mực phương Tây như sự độc lập và tự do cá nhân. Dù là trí thức tài ba, xinh đẹp và tự chủ tài chính, Rachel vẫn không được gia đình bạn trai coi trọng bởi xuất thân kém cỏi và lối sống không phù hợp.

Với Eleanor, người phụ nữ nên hy sinh để hỗ trợ chồng, góp phần tạo ra những thứ trường tồn gia đình thay vì tìm kiếm hạnh phúc cá nhân như người Mỹ. Trong thế giới của người Hoa, truyền thống, quy củ và thứ bậc được đánh giá cao hơn cái tôi. Mâu thuẫn đó được cài cắm suốt phim qua các đoạn đối thoại, đôi khi trực diện như cách Eleanor tấn công cô gái trẻ, đôi khi gián tiếp qua lời các nhân vật khác. Lối sống phương Tây – vốn mặc định là chuẩn mực trong phim Hollywood – bị một hệ tư tưởng khác thử thách trong tác phẩm vắng bóng các nhân vật da trắng điển hình.

Theo trang Entertainment Weekly ước tính, nếu quy ra đời thực, tổng chi phí cho các vật dụng và hoạt động trong phim lên đến 277 triệu USD, trong đó các máy bay trực thăng riêng ngốn hết 36 triệu USD.

Theo trang Entertainment Weekly ước tính, nếu quy ra đời thực, tổng chi phí cho các vật dụng và hoạt động trong phim lên đến 277 triệu USD, trong đó các máy bay trực thăng riêng ngốn hết 36 triệu USD.

Mạch ngầm của phim là sự phô trương của cải tích lũy của giới tư bản người Hoa. Từng tình tiết dẫn dắt người xem vào một thế giới do người Hoa làm bá chủ, diện đồ đẹp đẽ và ăn chơi không tiếc tay. Gần như mọi nhân vật giàu có xuất hiện trong khung hình – kể cả hậu cảnh – đều là người châu Á. Đúng như tên phim – Crazy Rich Asians, những bữa tiệc đình đám, thừa mứa thức ăn, biệt thự với nội thất xa hoa hay cảnh du lịch bằng trực thăng nối đuôi nhau lên màn bạc, ở đôi chỗ gợi nhớ đến tiểu thuyết The Great Gatsby của tác giả F. Scott Fitzgerald, cũng nói về sự thừa mứa của một lớp người trong xã hội.

Tuy nhiên, Fitzgerald có cái nhìn sâu sắc mang tính bi kịch về lý tưởng và sự trống rỗng, còn Crazy Rich Asians chỉ dừng ở yếu tố hài hước và châm biếm nhẹ nhàng. Không ít nhân vật giàu có trong phim được mô tả theo hướng kệch cỡm, cư xử lố bịch đến mức phi thực tế. Do đó, phim vừa ca ngợi độ giàu có vừa ngầm mỉa mai sự nông cạn, xem trọng vật chất của lớp người này.

Dương Tử Quỳnh sắc sảo trong phim.

Dương Tử Quỳnh sắc sảo trong phim.

Dương Tử Quỳnh là gương mặt nổi bật nhất phim với diễn xuất vượt trội so với phần còn lại. Dù là vai phản diện, Eleanor không bị khắc họa theo hướng quá ác độc hay cường điệu. Nhân vật chỉ là một bà mẹ trọng truyền thống, luôn muốn bảo bọc con trai và cơ nghiệp dòng họ. Ngôi sao sinh năm 1962 nhập vai với vẻ mặt nghiêm nghị cùng ánh mắt sắc sảo, dò xét “con mồi” Rachel giống mèo vờn chuột. Dáng đi, điệu bộ của Dương Tử Quỳnh cũng chậm rãi, nhẹ nhàng, toát lên phong thái người phụ nữ đã ép mình vào quy củ nhiều năm, đối lập với lối di chuyển sống động của Rachel. Ở những cảnh then chốt, lối thoại và thần thái của nữ diễn viên lột tả được sự cứng rắn của Eleanor khi muốn tống Rachel khỏi gia đình.

Nữ chính Constance Wu tròn vai ở những cảnh tình yêu, lạc lõng trong gia đình người yêu nhưng chưa thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh của một nữ giáo sư trẻ tuổi. Kịch bản phim cũng không thực tế khi nhân vật theo chuyên ngành kinh tế nhưng không biết thân thế người yêu cũng như tập đoàn khổng lồ của gia đình anh, trong khi những người xung quanh và trên mạng xã hội đều rõ. Trong vai nam chính, Henry Golding điển trai nhưng biểu cảm còn đơn điệu ở những cảnh quan trọng.

Nhân vật của Awkafina khuấy động không khí ở nhiều cảnh.

Nhân vật của Awkafina khuấy động không khí ở nhiều cảnh.

Ở tuyến phụ, sao nữ Awkwafina là “cây hài” của phim với vai Peik Lin – bạn thân của Rachel. Chất giọng đặc trưng và điệu bộ láu lỉnh giúp diễn viên xuất thân rapper thành điểm nhấn ở hầu hết cảnh xuất hiện. Trong khi đó, Gemma Chan và Pierre Png gây thất vọng trong vai đôi vợ chồng siêu giàu gặp trục trặc hôn nhân. Diễn xuất đơ cứng của họ khiến câu chuyện gượng gạo, khó cảm.

Ở hồi kết, biên kịch mở nút thắt bằng một tình huống đối chiếu với đầu phim, cũng xoay quanh một trò chơi. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề ít kịch tính, chưa đủ mạnh so với những xung đột quan điểm được bày biện trước đó. Ý tưởng của đạo diễn là thông qua bàn mạt chược để minh họa sự hy sinh của Rachel, qua đó khiến Eleanor thay đổi cách nhìn về cô. Tuy nhiên, chuyển biến của người mẹ trong trích đoạn khá chóng vánh và chưa thuyết phục.

Phim khởi chiếu ở Việt Nam với tựa Con nhà siêu giàu châu Á và nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi).

Ân Nguyễn

BÌNH LUẬN