Bộ đôi ăn khách của điện ảnh Việt tái xuất, mang đến những tình huống hài ý nhị, tiết chế hơn so với các tác phẩm trước đây.

Tác phẩm do Charlie Nguyễn đạo diễn, được chuyển thể từ tiểu thuyết Busy Woman Seeks Wife của Annie Ashworth và Meg Sanders. Câu chuyện xoay quanh Hùng (Thái Hòa đóng) – một chủ hiệu sách cũ giỏi nội trợ, sống cùng em gái tên Ngọc (Thanh Trúc đóng). Ngọc nhận lời giúp việc nhà cho nữ doanh nhân Mai (Phương Anh Đào đóng) nhưng không đủ sức đảm đương khối lượng công việc nên cầu cứu anh trai. Trong quá trình làm việc, Hùng bắt đầu có tình cảm với Mai.

Kịch bản nhanh chóng đưa nhân vật vào hoàn cảnh trớ trêu để tạo tiếng cười. Hùng đến làm trong những giờ Mai đi vắng, đồng thời giả làm em gái nhắn tin với Mai để giấu việc đổi người. Cô chủ dần tâm sự những chuyện thầm kín, từ đó khai triển loạt tình huống hài qua ngôn ngữ và biểu tượng ngộ nghĩnh trong tin nhắn. Ngoài ra, Hùng là người sợ chó nhưng phải chăm sóc chú chó cưng của Mai. Khi mẹ của Mai (Hồng Hạnh đóng) xuất hiện, phim có một lớp hài đáng nhớ qua thoại, cách sắp đặt tình tiết, vị trí nhân vật. Những tình huống kiểu “hiểu nhầm” này vốn là sở trường của Charlie Nguyễn và thường được khán giả hưởng ứng tốt.

Nhìn chung, đạo diễn và Thái Hòa chừng mực hơn trong gu hài của mình. Trước đây, các phim Tèo emĐể Mai tính 2 của họ ăn khách nhưng gây cười khá thô qua hình thể, nhân vật ngốc nghếch quá mức hoặc thoại nhạy cảm. Chàng vợ của em giảm bớt các yếu tố hài “người lớn”, ngoài một trích đoạn Thái Hòa khỏa thân nhưng tiết chế và phù hợp đường dây. Cảnh hài trong phim mới của đạo diễn Việt kiều không dày đặc về số lượng như trước nhưng chắc tay và duyên dáng hơn.

Tuyến truyện của Mai xoay quanh vấn đề nữ quyền và nêu quan điểm phản góc nhìn chính thống. Dù có nhan sắc quyến rũ, làm việc ở một tập đoàn lớn với mức lương cao, Mai vẫn thấy ngột ngạt khi sống trong thế giới của nam giới. Cô muốn được công nhận tài năng, có vị thế độc lập nhưng chỉ được nhiều người xem như một “phụ tá” xinh đẹp trong công ty.

Chàng vợ của em là lần thứ tám Charlie Nguyễn (phải) hợp tác cùng Thái Hòa.

“Chàng vợ của em” là lần thứ tám Charlie Nguyễn (phải) hợp tác cùng Thái Hòa.

Mai gạt bỏ giá trị cũ của phụ nữ – đảm việc nhà, chăm chồng con, lui về làm hậu phương – mà theo đuổi triệt để cuộc sống như một người đàn ông. Cô sẵn sàng bỏ bê, để nhà bừa bộn đến mức ngổn ngang để đi tìm thành công trong sự nghiệp. Quan điểm của nhân vật thể hiện rõ qua một đoạn nhắn tin, trong đó cô khẳng định tiêu chuẩn chọn bạn đời của mình là phải giỏi nội trợ, giống như đi kiếm một “chàng vợ”. Ở cảnh khác, Mai tranh luận với người sếp điển trai (Hứa Vĩ Văn đóng) gây tương phản thú vị về tư tưởng cũ và mới. Hình mẫu tất bật, hiện đại như Mai dễ gây đồng cảm với nhiều khán giả nữ Việt Nam. Tác phẩm cũng chọn cái kết với thông điệp cổ vũ thành công của phái nữ khi Mai hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Phương Anh Đào có vẻ ngoài và phong cách phù hợp với hình mẫu phụ nữ thành đạt. Tương tác của cô và Thái Hòa chuyên nghiệp trong các cảnh lãng mạn hoặc hài. Thái Hòa không khó vào vai nhân vật tốt bụng, hơi khờ vốn là sở trường của anh. Diễn viên sinh năm 1974 vẫn là át chủ bài của Charlie Nguyễn và tìm lại phong độ sau vai diễn lưng chừng trong Fan cuồng. Còn diễn viên trẻ Thanh Trúc là phát hiện mới của phim với gương mặt độc đáo, biểu cảm dễ thương dù chiếm ít thời lượng. Hứa Vĩ Văn tròn vai người đàn ông thành đạt, tham vọng và có vai trò rõ ràng trong phim.

Phương Anh Đào có vai diễn điện ảnh thứ ba trong năm nay sau Nhắm mắt thấy mùa hè và Em gái mưa.

Phương Anh Đào có vai diễn điện ảnh thứ ba trong năm nay sau “Nhắm mắt thấy mùa hè” và “Em gái mưa”.

Tình cảm gia đình là chủ đề lớn của Chàng vợ của em khi các nhân vật tìm cách tái kết nối với người thân. Với Hùng, đó là đứa em gái mà anh bảo bọc đến mức ngột ngạt, không nhận ra rằng làm vậy chỉ vô tình đẩy cô ra xa. Với Mai, đó là người mẹ nhiều năm mâu thuẫn với cô. Dù vậy, hành trình tâm lý này được triển khai còn vội vàng, nhất là trong nửa sau. Ở đôi chỗ, đạo diễn cho nhân vật kể chuyện, bộc bạch bằng lời hơi nhiều và trực diện, tạo cảm giác dài dòng. Ngoài ra, nhân vật của Vân Trang (người bạn của Mai) nhạt nhòa trong câu chuyện.

Diễn tiến tình cảm của Hùng và Mai có một tình tiết bị sượng khoảng giữa phim khi Hùng đột ngột tỏ tình và nói với Mai rằng mình đủ tiêu chuẩn để thành bạn đời lý tưởng, bất chấp cô chưa biết anh là ai. Ở cảnh này, nhân vật nam tỏ ra ngốc nghếch quá mức, thậm chí hơi biến thái dù trước đó anh không phải mẫu người này.

Chàng vợ của em có một số suất chiếu sớm từ ngày 17/8 trước khi chính thức ra mắt ngày 24/8. Phim được dán nhãn C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).

Ân Nguyễn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN