Tác phẩm Hàn Quốc hài hước với các màn tung hứng của bộ ba Kwon Sang Woo, Sung Dong Il và Lee Kwang Soo trong vai thám tử tư.

Phim do Lee Eon Hee đạo diễn, là phần hai của The Accidental Detective (2015) nhưng nội dung khá độc lập. Sau chiến công ở phần trước, anh chàng mê phá án Kang Dae Man (Kwon Sang Woo đóng) bán cửa hàng truyện tranh để mở văn phòng thám tử tư chuyên nghiệp. Kang hợp tác cùng Noh Tae Soo (Song Dong Il đóng) – một cựu thanh tra cảnh sát giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, văn phòng lâm vào cảnh ế ẩm do người dân chưa hưởng ứng mô hình này.

Một ngày nọ, họ được một phụ nữ thuê điều tra cái chết của chồng. Cách đó vài ngày, anh ra ngoài mua hàng rồi bị tàu hỏa tông chết. Sở cảnh sát kết luận đó là tai nạn nhưng sự việc dường như phức tạp hơn. Lần theo các manh mối, hai thám tử phát hiện nhiều đối tượng khả nghi ở một hệ thống nuôi dạy trẻ mồ côi nơi người chồng lớn lên. Để theo dõi nghi phạm qua các thiết bị điện tử, họ chiêu mộ Yeochi (Lee Kwang Soo đóng) – một thiên tài về công nghệ mạng.

Nhà làm phim Hàn Quốc khéo đan cài các yếu tố hài hước và trinh thám với thời lượng hợp lý. Chất hài trong phim dựa trên hoàn cảnh và tương tác của ba nhân vật chính. Kang có bản năng phá án, ham điều tra nhưng nhát gan, không có chuyên môn cảnh sát, còn Noh trầm tính, hay ra vẻ am hiểu, không thích những trò “làm quá” của Kang trước mặt các cảnh sát bạn ông. Quan hệ của họ được xây dựng theo mô-típ “buddy cop” của Mỹ (hai người điều tra xung đột về cá tính) với nhiều câu thoại đốp chát, thể hiện hơn thua với nhau.

Từ trái sang: Kwon Sang Woo, Lee Kwang Soo và Song Dong Il.

Từ trái sang: Kwon Sang Woo, Lee Kwang Soo và Song Dong Il.

Mạch phim về gia đình là “gia vị” đáng giá, tạo ra nét độc đáo cho tác phẩm so với phần lớn phim hài điều tra của Hollywood. Cả Kang và Noh đều gặp rắc rối với vợ mình, trong đó mâu thuẫn ở gia đình Kang rõ hơn. Không được vợ ủng hộ làm thám tử, anh phải giấu cô chuyện bán cửa hàng truyện tranh, dẫn đến những màn cãi nhau hài hước khi mọi chuyện vỡ lở. Ở nửa sau phim, Kang có nhiều cảnh dở khóc dở cười khi vừa phá án, vừa phải chu toàn việc làm bố, có lúc phải mang theo con nhỏ đến nhà nghi phạm. Còn trích đoạn nhân vật về đón con là một trong các cảnh hài hước nhất phim.

Khi nhân vật Yeochi xuất hiện, yếu tố hài được đẩy cao. Với thân hình cao dong dỏng, mái tóc dài chẻ ngôi giữa và lối cư xử tưng tửng, anh phù hợp với hình tượng hacker sống bất cần. Nhân vật liên tục trở thành tâm điểm của các trích đoạn gây cười náo động bằng hình thể và thoại. Thủ vai này là Lee Kwang Soo – diễn viên sinh năm 1985, có biệt danh “Hươu cao cổ”, nổi tiếng với nhiều phim và series hài gần đây. Ngoài ra, phim cũng có cái nhìn trào phúng về lực lượng cảnh sát Hàn Quốc – những người cư xử cứng nhắc và nghiêm túc thái quá.

Càng về cuối phim, Lee Kwang Soo càng thu hút hơn hai bạn diễn thủ vai nhân vật chính.

Càng về cuối phim, Lee Kwang Soo càng thu hút hơn hai bạn diễn thủ vai nhân vật chính.

Ở hai phần ba đầu, hành trình điều tra được triển khai khá mạch lạc, bắt đầu với các dữ kiện xoay quanh cái chết bí ẩn rồi mở rộng đến những âm mưu phức tạp hơn. Các tình tiết kinh điển của phim trinh thám như bắt nhầm người, giải mã thông điệp, đưa gợi ý qua vật thể, chi tiết nhỏ trong khung hình được cài cắm xuyên suốt. Số nhân vật “nghi phạm” không quá đông nhưng có chân dung khá sắc nét. Khi suy luận, các thám tử không chỉ phán đoán từ manh mối hiện trường mà còn nghĩ về động cơ của kẻ xấu.

Tuy nhiên, sau quá trình xây dựng đường dây tốt, cảnh xác định hung thủ diễn ra khá đột ngột và đơn giản, thiếu bất ngờ. Lúc này, phim cũng có tình tiết chưa hợp lý khi một nhân vật thản nhiên đi gặp hung thủ – vốn rất tàn ác – mà không có sự chuẩn bị cần thiết. Hồi ba của phim có nhiều cảnh hành động, đột nhập nhưng yếu tố này được dàn dựng ở mức trung bình.

Phim khởi chiếu ở Việt Nam với tựa Thám tử gà mơ: Bộ ba khó đỡ và nhãn C13 (không dành cho khán giả dưới 13 tuổi).

Ân Nguyễn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN