Thay vì sao chép Face ID của Apple và chấp nhận chi phí đắt đỏ, các hãng sản xuất smartphone Android tập trung vào trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình cho các smartphone sắp ra mắt.

Khi Apple đưa ra công nghệ Face ID và thiết kế tai thỏ, rất nhiều hãng sản xuất Android đã bắt chước theo. Thiết kế tai thỏ có vẻ không làm khó các hãng Android nhưng Face ID thì có bởi họ nhận ra việc sao chép Face ID quá đắt đỏ. Tin từ DigiTimes cho biết để tạo ra cảm biến 3D TrueDepth của iPhone, chi phí phải bỏ ra lên tới 60 USD/bộ (khoảng 1,3 triệu đồng).

iPhone X được bán với giá cao ngất ngưởng khi ra mắt, nhưng các dòng điện thoại Android thường không có giá bán cao như vậy. Do đó, chi phí này là cực lớn đối với họ, đó là chưa kể Apple đang nắm giữ các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ quét gương mặt bằng chấm hồng ngoại.

Các hãng sản xuất Android không muốn đụng chạm đến pháp lý với Apple. Thêm một lý do khác là Apple đã mua hết các linh kiện có chức năng cảm nhận 3 chiều. Các hãng Android muốn mua thì phải chờ 2 năm nữa mới mua được linh kiện để sao chép Face ID của Apple.

Cuộc sống số - Các hãng Android từ bỏ sao chép Face ID, chuyển sang cảm biến vân tay dưới màn hình

Các hãng Android từ bỏ Face ID vì quá đắt.

Vì thế, họ chuyển sang công nghệ quét vân tay bằng sóng siêu âm. Đây là công nghệ của Qualcomm và được cho là hoạt động tốt ở cả điều kiện ngón tay khô hoặc ướt. Chiếc smartphone Android đầu tiên được trang bị công nghệ này có thể là Huawei Mate 11. Dự đoán chiếc smartphone này sẽ được ra mắt vào cuối 2018.

Hướng đi của Apple lại khác hoàn toàn. Các nhà điều hành Apple cho biết công nghệ nhận diện khuôn mặt là điều họ luôn tập trung, và Touch ID sẽ không còn xuất hiện trong các dòng iPhone tiếp theo nữa.

Nhà phân tích John Erensen nhận định: “Apple luôn rất chú trọng đến chuỗi cung ứng của họ. Đối với những công nghệ mới như thế này, điều mà Apple đang thực hiện là một trong những phương thức hiệu quả giúp họ tạo nên sự khác biệt và nắm thế thượng phong vốn có của mình trên thị trường”.

Ngọc Quang

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN