Hai anh em Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) và Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1991 – khoa Kinh tế, trường ĐH Yokkaichi) đã khởi nghiệp thành công với thương hiệu bánh mì “Xin Chào”, ngay giữa thành phố đắt đỏ nhất thế giới: Tokyo, Nhật Bản.

TỪ KEBAB CỦA THỔ NHĨ KỲ

Khi đang theo học tại tỉnh Mie, Thanh Tâm đến tham quan khu chợ châu Á nổi tiếng Ameyako ở quận Ueno. Tại đây, Tâm bị thu hút bởi tiệm bánh mì kebab của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong lòng chợ. Lúc ấy, hàng dài người đủ mọi màu da xếp hàng chờ đến lượt. “Xin Chào”, anh bạn nhân viên người Thổ vỗ vai, chào hỏi Tâm bằng tiếng Việt và mời ăn thử. Sau khi ăn thử, Tâm cảm thấy kebab ngon nhưng về cảm nhận cá nhân, có lẽ nó vẫn còn thua xa so với bánh mì Việt Nam. “Tại sao mình lại không mở một tiệm bánh mì Việt trên đất Nhật để quảng bá cho người Nhật và du khách biết”, ý tưởng lóe lên trong đầu Tâm ngay lúc đó. Vì khu chợ này rất đông người Việt ghé thăm, mua sắm nên Tâm thường nghe lời mời chào bằng tiếng Việt.

“Mình quyết định gọi cho anh trai ngay trong chiều hôm đó. Lúc này, anh mình đang làm việc trong một công ty chuyên quản lý thực tập sinh Việt Nam có trụ sở tại Osaka và bàn với anh về việc cùng nhau mở một cửa hàng bán bánh mì Việt Nam. Mục tiêu là hướng đến chuỗi bánh mì ngay tại đất Nhật, với tên gọi là bánh mì “Xin Chào”. Bất ngờ là anh Duy cũng có cùng dự định này với mình”, Thanh Tâm kể. Hai anh em bắt đầu nghiên cứu thị trường và từng bước thành lập dự án. Lượng du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam tại Tokyo tăng rất nhanh và đây là thành phố đón lượng du khách hằng năm đông nhất Nhật Bản. Nhìn xa hơn, Tokyo còn đang quảng bá mạnh mẽ cho chiến dịch “Tokyo Olympic 2020”. Thế là hai anh em người Quảng Nam đã quyết định chọn Tokyo làm nơi khởi nghiệp.

Lý do anh em Duy – Tâm chọn khởi nghiệp với bánh mì, vì đây là sự kết hợp đầy tinh tế giữa ẩm thực Việt Nam và Pháp, là sự giao thoa giữa đại diện hai nền văn hóa ẩm thực Á và Âu. Bề ngoài ổ bánh mì vàng ươm, không cầu kỳ nhưng khi ăn lại hòa quyện các nguyên liệu: Patê, dưa chua, chả… tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào có được. Để tạo thêm điểm nhấn, vị bánh mì của “Xin Chào” làm theo phong cách Hội An (Quảng Nam), nơi có bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh nổi tiếng.

Thanh Tâm cho biết: “Hai anh em mình xoay như chong chóng để có đủ kinh phí mở cửa hàng. Ngoài tiền vay từ gia đình, bạn bè, anh mình dùng luôn tiền cưới để đầu tư. Nguyên liệu để làm bánh mì cũng là một vấn đề lớn. Để tìm được xưởng gia công đúng nguyên liệu và vị theo mình yêu cầu, hai anh em đã liên hệ không dưới 50 xưởng làm bánh mới có được nguồn cung cấp như ý. Thật ra, mình bê nguyên vị của bánh mì Hội An sang Nhật. Vì mình nghĩ bánh mì Việt Nam không khó ăn, người ta cần một vị đặc trưng, đúng chuẩn bánh mì chứ không phải là một cái sandwich gọi tên khác đi”.

Hai anh em Thanh Duy (trái) và Thanh Tâm trước cửa hàng bánh mì “Xin Chào” ở Tokyo, Nhật.

Ngày khai trương, khách xếp hàng mua bánh mì. Lúc ấy, hai anh em đứng nguyên một chỗ làm bánh suốt 3 ngày liên tục khiến đôi chân cứng đờ, mất cảm giác đến hơn một tháng sau mới đỡ. Tiệm bánh mì “Xin Chào” của hai anh chàng người Việt được biết đến rộng rãi hơn khi báo Chunichi viết bài giới thiệu.

KIẾM ĐƯỢC MẶT BẰNG LÀ “KỲ TÍCH”

Ở Nhật, mở một cửa hàng ăn uống phải trải qua quy trình rất khắt khe, yêu cầu chủ đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ. Đầu tiên, họ phải đáp ứng về mặt pháp lý, đủ tư cách pháp nhân theo quy định, có người bảo lãnh liên đới là người Nhật. Người bảo lãnh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt tài chính khi công ty có chuyện không hay và chủ đầu tư không có khả năng chi trả. Việc thiết kế nội thất cũng phải đạt chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, có chứng nhận đạt chuẩn của Hiệp hội Vệ sinh, an toàn thực phẩm Nhật Bản.

Để thu hút khách hàng, “Xin Chào” quảng cáo qua Facebook, phát tờ rơi ở các khu vực gần nhà ga. Theo đó, ngày khai trương, mỗi ổ bánh mì chỉ tương đương 80.000 đồng Việt Nam và được miễn phí một ly Coca khi mang tờ rơi đến. Sau khi quán đi vào hoạt động, tiệm của Tâm có những chương trình tri ân khách hàng, khuyến mãi để mở rộng lượng khách. Đến nay, “Xin Chào” đã hoạt động ổn định nhưng bước ngoặt quan trọng nhất là tìm được địa điểm. “Ở thành phố đắt đỏ bậc nhất này, việc tìm kiếm mặt bằng thật sự rất khó. Hai anh em mình lạ nước lạ cái, lại dám đến thủ đô Nhật lập nghiệp thì việc kiếm được mặt bằng phải gọi là “kỳ tích”. Chính địa điểm hiện tại, với số lượng người Việt đông nhất nhì khu vực Tokyo, đã giúp quán có lượng khách hàng ổn định”, Thanh Duy chia sẻ.

Ngay từ đầu khi quyết định khởi nghiệp, cả hai đã xác định đi theo hướng hình thành chuỗi, chuyển nhượng thương hiệu bánh mì “Xin Chào” ngay tại Nhật, nhằm chia sẻ lại thị trường thức ăn nhanh với các đối thủ sừng sỏ như King Burger, McDonald… Qua đó, đây sẽ là kênh quảng bá và giới thiệu đến bạn bè thế giới về tinh hoa ẩm thực Việt. Thanh Tâm bộc bạch: “Ban đầu, hai anh em mình rất sợ thất bại vì bắt đầu bằng bàn tay trắng. Kinh phí phải vay mượn từ nhiều nơi thì nếu thất bại sẽ khiến việc trả nợ trở thành gánh nặng, nhất là anh trai đã có gia đình”.

Mấu chốt của việc xây dựng và giữ thương hiệu, nhất là trong lĩnh vực ăn uống tại Nhật là việc giữ ổn định chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc trong đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Công việc này đến với hai anh em Tâm như một giấc mơ vậy. Lúc ở Việt Nam, cả hai đều không hề biết nấu nướng mà giờ lại mở được cửa hàng, làm bếp chính. Khi chia sẻ đều này, ai cũng thật sự rất bất ngờ. “Hai anh em mình đang làm với niềm đam mê và lý tưởng. Bánh mì “Xin Chào” vẫn còn tương lai dài phía trước. Trước mắt, mình và anh Duy cần đi những bước thật chắc chắn trước khi quyết định mở cửa hàng tiếp theo, kêu gọi đầu tư cho việc chuyển nhượng thương hiệu”, Thanh Tâm tâm sự.

                                                                                                              THUẬN TÙNG

Theo svvn

BÌNH LUẬN