Điểm danh những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề “độc, lạ” trên sàn chứng khoán

Hàng loạt những doanh nghiệp mang danh “độc quyền ngành nghề” trên sàn chứng khoán mà không phải ai cũng biết.

 Có những công ty hoạt động kinh doanh trong những ngành nghề mà ít người nghĩ tới và vẫn đều đặn thu lợi lớn hàng năm. Và khá nhiều những công ty đó đang niêm yết giao dịch trên các sàn chứng khoán. Đó cũng gần như là những công ty “độc nhất” trên thị trường chứng khoán trong ngành của mình.

Bán Dây thừng

Dây thừng Siam Brother (SBV) niêm yết và giao dịch trên HoSE từ 16/5 vừa qua với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa thị trường ngày lên sàn xấp xỉ 820 tỷ đồng.

Siam Brother là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan, hoạt động chính là cản xuất dây, các loại ngư lưới cụ. Sau hơn 20 năm hoạt động, SBV hiện là nhà sản xuất và cung cấp dây thừng đánh bắt cá hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 6.500 – 8.000 tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới bùng nhùng, lưới giữ cá, lưới nuôi trồng thủy sản…trong đó, dây thừng là sản phẩm chủ lực, chiếm khoảng 94% tổng doanh thu của công ty.

Dây thừng Siam Brother cũng là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức hàng năm cao. Các năm 2012, 2013, tỷ lệ chi trả cổ tức SBV ở mức trên 50%. Còn năm 2016 vừa trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%.

Sau những phiên tăng mạnh lúc mới lên sàn, hiện cổ phiếu SBV đã giảm về mức giá 44.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SBV cũng có thanh khoản khá lớn mỗi phiên.

Dịch vụ Mai táng

Hồi đầu năm nay, việc công ty mai táng Hải Phòng (CPH) lên sàn đã làm nhiều người chú ý. Đây cũng là doanh nghiệp liên quan tới dịch vụ mai táng đầu tiên lên sàn.

CPH trước là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hải Phòng và đã tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2015. Trong phiên IPO, CPH đã bán đấu giá thành công 440.000 cổ phần với mức giá bình quân là 11.001 đồng/cp.

Cổ phiêu CPH chào sàn UpCOM ngày 8/2/2017 với giá tham chiếu 10.00 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, sau gần 4 tháng lên sàn vẫn chưa một cổ phiếu nào được khớp lệnh.

Giữa tháng 5 vừa qua Mai táng Hải Phòng đã trả cổ tức năm 2016 bằng tiền tỷ lệ 16,67%. Sau khi điều chỉnh giá, hiện cổ phiếu CPH đang ở mức 8.330 đồng/cổ phiếu.

Công ty chuyên cung cấp đầu lọc thuốc lá

Cuối năm 2014, CTCP Thương mại Đầu tư Vinataba (VTJ) đã đưa cổ phiếu VTJ lên giao dịch trên sàn UpCOM. Đây là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh chính trong ngành sản xuất đầu lọc và phụ liệu thuốc lá – đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của ngành này đưa cổ phiếu lên sàn.


Diễn biến giá cổ phiếu từ ngày lên sàn.

Diễn biến giá cổ phiếu từ ngày lên sàn.

Năm 2016 cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng khi tổng doanh thu công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 15 tỷ đồng. Hơn 2 năm sau từ ngày lên UpCOM, VTJ đã lên niêm yết trên HNX.

Tuy nhiên, “thế độc quyền ngành nghề” của VTJ đã không còn khi cuối năm 2016 Công ty Cát Lợi Vinataba (CLC) cũng đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE và được các nhà đầu tư quan tâm. Giá cổ phiếu CLC cũng tăng mạnh trong gần 8 tháng lên sàn, hiện giao dịch quanh vùng giá 69.400 đồng/cổ phiếu.


Diễn biến giá cổ phiếu trong 6 tháng gần đây.

Diễn biến giá cổ phiếu trong 6 tháng gần đây.

Cát Lợi Vinataba được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, đầu lọc và phụ liệu thuốc lá.

Doanh thu hàng năm của Cát Lợi cũng là con số đáng mơ ước. Năm 2015 hơn 1.700 tỷ đồng còn năm 2016 đã hơn 1,800 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về 2 năm gần đây cũng đều trên trăm tỷ.

Diêm Thống Nhất

Cái tên Diêm Thống Nhất (DTN) đã quen thuộc với những người Việt Nam từ lâu nay cùng với những cái tên nổi tiếng một thời như Dầu con hổ – Dầu sao vàng; mì tôm Miliket…Đó cũng là những doanh nghiệp truyền thống lâu đời.

Tuy nhiên, đến nay hình ảnh bao diêm không còn thường xuyên xuất hiện. Lượng tiêu thụ giảm sâu. Doanh thu hàng năm còn trên trăm tỷ và lợi nhuận chỉ loanh quanh mấy tỷ đồng.

Năm 2017, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 100.000 kiêm diêm các loại, tuy nhiên mục tiêu sản lượng bật lửa Thống Nhất là 10 triệu chiếc và bật lửa Thống Nhất Criket là 650.000 chiếc.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DTN hầu như cũng không có giao dịch khớp lệnh.

Doanh nghiệp chuyên bán… giấy vệ sinh

CTCP Hapaco (HAP) tiền thân là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, thành lập từ năm 1960. Năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy Tissue của thị trường, Tập đoàn đầu tư thêm 02 dây truyền giấy Tissue tại Công ty Cổ phần HAPACO HPP.

Năm 2016, doanh thu công ty đạt 426 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 13,3 tỷ đồng. Cả năm Hapaco đã dùng hơn 2.838 tấn nguyên liệu để sản xuất giấy vệ sinh. Giấy vệ sinh không phải là mảng hàng chủ lực của công ty. Tính đến cuối năm 2016, tổng coogj tài sản công ty đạt hơn 1.013 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAP niêm yết trên HoSE từ tháng 8/2000. Đến nay đang giao dịch dưới mệnh giá từ rất lâu, hiện đang ở quanh mức 4.500 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp vàng mã

Dù trong các ngành nghề đăng ký kinh doanh của Hapaco có cả ngành in vàng mã, nhưng hoạt động này không phản ảnh trong lĩnh vực SXKD của công ty. Tuy nhiên, CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái lại được xem là doanh nghiệp vàng mã đầu tiên lên sàn.

công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vàng mã cũng được niêm yết trên sàn và có mức doanh thu hơn trăm tỷ đồng như Công ty Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái.

Lĩnh vực kinh doanh của CAP là sản xuất giấy đế, vàng mã, ngoài ra còn sản xuất tinh bột sắn và dầu quế. Doanh thu từ vàng mã của công ty năm 2016 trên 52 tỷ đồng, chiếm 16% tổng doanh thu công ty. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu từ vàng mã của công ty đều ghi nhận là doanh thu xuất khẩu, CAP không ghi nhận doanh thu nội tiêu từ mặt hàng này.


Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 CAP.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 CAP.

Đặc biệt mấy năm gần đây công ty đều đạt EPS rất cao. Năm 2014 là 5.062 đồng/cổ phiếu thì sang năm 2015 là 8.656 đồng/cổ phiếu và năm 2016 đtạ 4.411 đồng/cổ phiếu.

Năm 2016 cổ phiếu CAP đã bất ngờ tăng mạnh và leo một mạch lên xấp xỉ 55.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7/2016. Tuy nhiên, nay đã giảm về quanh vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu CAP từ khi lên sàn năm 2008.
Diễn biến giá cổ phiếu CAP từ khi lên sàn năm 2008.

CAP cũng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức hàng năm rất cao. Ngày 27/6 vừa qua CAP đã chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2016 bằng tiền tỷ lệ 34%. Trước đó, tháng 6/2016 CAP cũng vừa thanh toán 45% cổ tức bằng tiền cho năm 2015, đồng thời phát hành khoảng 1,36 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông tỷ lệ 40%.

Ngành bán kem

Kem Thủy Tạ (TTJ) vừa lên giao dịch trên sàn UpCOM hồi cuối tháng 6 vừa qua. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong ngành sản xuất, kinh doanh kem đang giao dịch trên sàn chứng khoán.

Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem lâu đời tồn tại ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra kem Thủy Tạ còn sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn ngay tại những tuyến phố trung tâm Thủ đô.

Tuy nhiên, có vẻ trái với kỳ vọng, cổ phiếu TTJ lên sàn và không nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Duy nhất phiên giao dịch ngày 30/6 vừa qua là có 2.000 cổ phiếu khớp lệnh ở giá trần, đã đẩy giá cổ phiếu này từ 31.000 đồng/cp (giá chào sàn) lên hẳn 43.400 đồng/cổ phiếu.

Những doanh nghiệp mang danh “độc quyền ngành nghề” trên sàn chứng khoán có vẻ chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng có thể gây nên tâm lý làm cho nhà đầu tư không có sự lựa chọn, so sánh mang lại, cũng có thể, môt số những doanh nghiệp kiểu này cơ cấu cổ đông rất cô đặc, thanh khoản trên thị trường mỗi phiên không lớn.

Thạch Lâm

Theo InfoNet

BÌNH LUẬN