Tỉnh lộ 622 từ TP. Quảng Ngãi đến Trà Bồng khá đẹp. Xe chúng tôi chạy bon bon chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Hai bên đường là những cánh đồng lúa, cánh đồng mía nằm xen với ruộng sắn, khoai.

Dù vậy so với chục năm trước, dọc theo tỉnh lộ đã mọc lên nhiều thị tứ mới, ở nhiều đoạn đường hai bên là nhà cửa khang trang ẩn hiện sau những hàng dừa, hàng cau vươn cao tít, xa xa là những ngọn núi trập trùng. Tất cả tạo nên phong cảnh trữ tình rất đặc trưng của miền núi Nam Trung bộ.

Vẻ đẹp thôn quê dọc tỉnh lộ 622
Vẻ đẹp thôn quê dọc tỉnh lộ 622

Thị xã Trà Bồng chỉ có khoảng 5.000 dân, với các phố chính chạy dọc theo sông Trà Bồng. Nơi đây có núi có sông, có đồng ruộng xanh mướt bao quanh nên phố xá trông nên thơ, đẹp mắt. Ở khu vực trung tâm, người Kinh buôn bán, làm lúa nước còn người dân tộc, chủ yếu là dân tộc Cơ Ho, sống xa hơn một chút, trồng lúa nương và trồng quế.

Đặc biệt, rất nhiều địa danh ở đây bắt đầu bằng chữ Trà: Trà Khúc, Trà Bồng, Trà My, Trà Xuân, Trà Mỹ, Trà Phú, Trà Bình… Từ “trà” có gốc là “java” trong tiếng Phạn và là một trong bốn họ chính của các vua Chiêm: On, Ma, Trà, Chế.

Phong cảnh miền núi Trà Bồng
Phong cảnh miền núi Trà Bồng
Nếp nhà đơn sơ của người dân miền núi Quảng Ngãi
Nếp nhà đơn sơ của người dân miền núi Quảng Ngãi

Trà Bồng nổi tiếng với các rừng quế và sản phẩm từ quế. Rừng quế tập trung ở ngoại vi, trong thị xã chỉ có khu vườn ươm quế khá rộng, cây non cao khoảng hơn gang tay đang lên xanh mướt mát. Chúng tôi vào một khu vườn ngắm cây quế vài năm tuổi, ngắt mấy chiếc lá quế trong tay, mùi hương cứ mãi vương vấn, nhớ tuổi thơ bạn bè chia nhau những mảnh quế bé tí xiu, nhâm nhi trong những ngày đông lạnh, vị ngọt thơm đọng thật lâu trong miệng. Gần vườn ươm có một cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ quế, quan sát các công đoạn biến những mảnh vỏ quế trở thành một món đồ mỹ nghệ cũng khá thú vị.

Cầu treo bắc qua sông ở gần thị xã
Cầu treo bắc qua sông ở gần thị xã

Buổi trưa chúng tôi ghé một nhà hàng ngay trung tâm thị xã. Con đường sầm uất bậc nhất Trà Bồng vẫn còn nhiều cây cối. Ngay trước nhà hàng và trước cả dãy nhà sát bên là những bụi tre ngà rất đẹp, từng đốt tre mượt mà vàng óng, đây đó điểm những dải rất mảnh màu xanh.

Một làng người dân tộc Cơ Ho
Một làng người dân tộc Cơ Ho

Tại đây du khách được nếm món cá niêng đặc sản, mới bắt từ dưới sông lên hồi sáng sớm. Loại cá này nhỏ bằng ngón tay cái, dài khoảng 10 – 15cm, luộc lên để cả ruột, ban đầu ăn thì hơi đắng nhưng chỉ vài giây sau sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm đặc biệt.

Thác Trà Bói còn hoang sơ
Thác Trà Bói còn hoang sơ

Sau bữa ăn, mọi người lên xe lại đi ra tỉnh lộ 622, đến ngã ba xã Trà Phú rẽ phải đi chừng 4km là đến thác Trà Bói. Ai muốn khám phá đầu nguồn thác thì chạy thêm 1km nữa. Thác được hình thành từ hai dòng nước trên núi cao chảy xuống hòa quyện thành một, tạo bọt nước trắng xóa, lung linh, huyền ảo. Sở dĩ thác Trà Bói luôn trong xanh bởi dòng nước đổ xuống từ đầu nguồn, chung quanh là rừng cây bốn mùa xanh mướt.

Bên dưới thác là dòng suối chảy thoai thoải qua các mỏm đá nhấp nhô. Nhiều chỗ được đá che chắn trở thành những hồ nước nhỏ trong vắt, tắm rất sạch và an toàn, ngay cả trẻ em cũng tha hồ tung tăng bơi lội không lo bị nước xoáy. Vì thế nhiều người dân Trà Bồng đã đưa con đến đây học bơi trong những ngày hè oi ả.

Những hồ nước xanh mát, an toàn dưới chân thác
Những hồ nước xanh mát, an toàn dưới chân thác

Sau khi thỏa thích bơi lội dưới dòng suối mát lành, khách phương xa ghé quán chuyên phục vụ các món heo rừng, chuột lách… và cũng không quên thưởng thức ốc đá, cá niêng, tôm càng được bắt lên từ dòng suối Trà Bói.

Kim Anh

Theo noithatmagazine.vn

BÌNH LUẬN