Giá điện tăng 6,08% từ hôm nay đã được Bộ Công Thương tính toán mức độ tác động tới chỉ số kinh tế vĩ mô, lạm phát và người dân…

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp chiều 1/12 về điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho biết “nghe công bố giá điện tăng tôi cũng bất ngờ, lẽ ra cần có sự chuẩn bị từ trước để người tiêu dùng tiếp cận thoải mái hơn”.

Theo ông Hùng, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến chi trả của người tiêu dùng, mà điện là đầu vào của ngành sản xuất, phải chấp nhận nhiều mặt hàng khác tăng giá.

hoi-bao-ve-nguoi-tieu-dung-bat-ngo-khi-dien-tang-gia

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiểm Tổng thư ký Vinastas cho biết cũng bất ngờ khi biết thông tin tăng giá điện vào chiều tối qua (30/11). Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, việc kiểm tra giá thành sản xuất điện đã có bước tiến nhưng vẫn cần minh bạch hơn khi đoàn kiểm tra 2 năm gần đây đã có sự tham gia của đại diện VCCI và Vinastas. Tuy nhiên, quyết định tăng giá lại chưa có sự tham gia của bên mua điện, mà chỉ có bên bán được quyết định.

Phó tổng thư ký Vinastas cũng nhận định thêm, nếu đại diện người tiêu dùng được tham vấn, giá bán điện sẽ minh bạch, có lợi hơn cho Nhà nước và người dân. “Trong quan hệ mua bán nếu chỉ có người bán ra quyết định về giá, mà không có sự tham vấn ý kiến từ người mua thì chưa hợp lý”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, về phía Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của VnExpress về mức độ tác động, hưởng lợi của người dân từ đợt tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, quyết định điều chỉnh tăng giá điện được đưa ra trên cơ sở tham vấn, đánh giá ảnh hưởng của các Bộ, ngành tới điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như đánh giá tác động tới các hộ sử dụng điện.

“Giá điện tăng nhưng hạn chế tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân”, ông Tuấn khẳng định, đồng thời phân tích, tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng thêm 5,7%; sản xuất 1,4 – 6,4%. Với khách hàng sinh hoạt dùng điện tác động cao nhất nếu sử dụng trên 400 kWh một tháng khi chi phí “đội” thêm là 34.800 đồng; thấp nhất là 3.200 đồng một tháng nếu dùng dưới 50 kWh…

hoi-bao-ve-nguoi-tieu-dung-bat-ngo-khi-dien-tang-gia-1

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Hoài Thu

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng cho hay, theo thống kê năm 2016 có khoảng 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ điện từ 50-100 kWh; 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50 kWh, chiếm 17%; 5,2 triệu hộ dùng điện tới 200 kWh… Trong lần điều chỉnh giá điện này, Chính phủ vẫn hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách có mức sử dụng điện dưới 50 kWh, tương đương 51.000 đồng một tháng.

“Với mức hỗ trợ này thì khoảng 3,5-4 triệu hộ được hỗ trợ hằng năm, khoảng hơn 2.500 tỷ đồng một năm”, ông Tuấn nói.

Còn theo tính toán của cơ quan chức năng, với mức giá điện điều chỉnh, chi phí tiền điện tăng thêm của các hộ nghèo là 4.500 đồng một tháng. Đối với các hộ dân tiêu thụ điện ở mức đến 100kWh một tháng mức chi trả tăng thêm 9.172 đồng một tháng.

“Việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp với mức ảnh hưởng là 4,97%. Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI năm 2017 là 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,07%”, ông Tuấn cho hay.

Còn ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, dự kiến năm 2018 chỉ số CPI ảnh hưởng 0,1% và GDP là 1,66%.

Chênh lệch tỷ giá phân bổ dần tới năm 2020

Giá điện đã tăng thêm 6,08% từ 1/12/2017 với mức giá bán lẻ mới là 1.720,65 đồng một kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo số liệu của cơ quan kiểm toán độc lập, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gánh gần 9.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ lũy kế đến hết năm 2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn và các công ty cổ phần có vốn góp chi phối.

Bộ Công Thương cho hay, việc tăng giá bán điện có xét tới các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, nếu toàn bộ số tiền gần 9.800 tỷ chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. “Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng từ nay đến năm 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo ông Võ Quang Lâm, năm 2017 công tác tăng cường tiết kiệm chi phí của tập đoàn đã được thực hiện nghiêm. Tính chung các khoản khác, từ đầu năm đến nay EVN đã tiết kiệm được 1.546 tỷ đồng.

Năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt doanh thu bán điện là 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng một kWh. “Ông lớn” ngành điện báo lãi trên 2.658 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016, nhưng riêng sản xuất kinh doanh điện vẫn lỗ gần 594 tỷ đồng.

Anh Minh

vnexpress

BÌNH LUẬN