Cuốn “Từ bục giảng đến văn đàn” kể về khó khăn, vất vả của nghề giáo để người đọc thêm yêu quý, kính trọng những người thầy.

Sách của Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá kể về 25 nhà giáo tiếng tăm, những người có nhiều môn đệ thuộc các thế hệ nối tiếp nhau. Họ là những nhà giáo thuở sơ khai của nền tân học như Trương Vĩnh Ký, hay gây dựng nền giáo dục sư phạm mới như Dương Quảng Hàm, Vũ Đình Hòe, các học giả như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi… cho đến những nhà sư phạm đầu ngành như Lê Trí Viễn, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh…

Bìa sách Từ bục giảng đến văn đàn.

Bìa sách “Từ bục giảng đến văn đàn”.

Là sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 1956-1959, sau đó tập trung vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và phê bình về văn học, Phó giáo sư Trần Hữu Tá có điều kiện trực tiếp học tập, làm việc với nhiều người thầy trong sách. Sau này, ông chuyển vào làm việc và sinh sống tại TP HCM. Suốt hơn ba mươi năm qua, là Chủ tịch Hội nghiên cứu – giảng dạy văn học thành phố, ông càng có thêm điều kiện tìm hiểu về các nhà văn từng làm nhà giáo ở miền Nam.

Trong sách, có một số nhân vật về sau, tác giả mới có điều kiện tiếp xúc nhưng sau đó trở nên thân thiết, như các nhà văn Nguyễn Đình Đầu, Võ Hồng, Thẩm Thệ Hà. Nhờ vậy, Trần Hữu Tá có thể ghi lại các chi tiết về nhân thân, sự nghiệp của họ trên cả bục giảng lẫn ở văn đàn.

Phó giáo sư Trần Hữu Tá đã cố gắng giới thiệu khái quát những cống hiến của các nhà văn – nhà giáo trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu. Nhiều nhân vật được tác giả chọn lọc kể lại một số kỷ niệm riêng, giúp độc giả có thể hình dung về nhân phẩm, cũng như tính cách, lối sống đời thường của họ, như chuyện Giáo sư Lê Trí Viễn đọc bài thơ “gây sốc” ở lễ khai giảng, chuyện Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh bị nghi là buôn lậu, sự giản dị đến mức… luộm thuộm của Giáo sư Lê Đình Kỵ, hoặc chuyện tình cảm động của vợ chồng nhà văn Văn Tâm…

Trước bài viết về mỗi nhân vật, tác giả đều có bảng tóm tắt tiểu sử từng người cùng danh sách các trường họ đã giảng dạy, các tác phẩm chính họ đã công bố. Qua đó, độc giả phần nào hình dung được tầm vóc tri thức mà nhân vật để lại.

Với cách viết nghiêm túc, mang tính học thuật, một số bài viết về nhân vật trong sách được tác giả sử dụng trong cuốn Từ điển văn học Bộ mới do Phó giáo sư Trần Hữu Tá đồng chủ biên.

Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí, Trưởng bộ môn Lý luận và Phê bình văn học, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhận xét: “Hầu hết nhà giáo – văn nhân trong sách đều từng sống qua hai chế độ đối nghịch, cách ứng xử của họ là một bài học, hơn nữa là một nghệ thuật để lại cho đời sau”.

Lê Tiên Long

vnexpress

BÌNH LUẬN