Đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, để đạt được các tham vọng phát triển bền vững, Việt Nam phải đầu tư mạnh và nghiêm túc cho con người.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra sáng 7/11, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế Giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình trong phát triển.

Báo cáo của WB chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi kinh tế trong 30 năm qua, kể từ Đổi mới, Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng nhanh và toàn diện. Các cải tổ kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7% mỗi năm, mức thu nhập của người dân cũng được nâng cao.

wb-viet-nam-phai-dau-tu-cho-con-nguoi-truoc-thu-thach-moi

Diễn biến tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam kể từ khi tiến hành Đổi mới.

Hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực APEC và thế giới.

Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, từ đó làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế thay đổi đó.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017 dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016 – 2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam tăng lên khoảng 2.300 USD trong khi tính theo PPP là khoảng 6.800 USD.

wb-viet-nam-phai-dau-tu-cho-con-nguoi-truoc-thu-thach-moi-1

Các kịch bản tăng trưởng GDP trên đầu người của Việt Nam đến 2034.

“Thành công của Việt Nam không thể được coi là một điều hiển nhiên. Tăng trưởng hiện tương đối bền vững song vẫn còn thấp để đáp ứng được tham vọng mà Việt Nam đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng lực lượng lao động thấp hơn, tăng trưởng đầu tư yếu hơn và tăng trưởng năng suất thấp hơn”, bà Victoria Kwakwa nhận xét về xu hướng tăng trưởng trong thập niên gần nhất.

Theo chuyên gia này, Việt Nam cần có nhiều sự chuẩn bị cho nền kinh tế kỹ thuật số. Các quy trình công nghệ sản xuất mới, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT), người máy tiên tiến, in 3D đang phát triển khắp mọi nên trên thế giới. Không còn cách nào khác, Việt Nam phải hướng đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất.

Cụ thể, ba trụ cột của mô hình này là đầu tư vào con người, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện thể chế chính sách. Trong đó, đầu tư cho con người đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chậm lại.

Dữ liệu của WB cho biết, tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo nghiên cứu năm 2009, tỷ lệ dân số trên 25 tuổi có trình độ đại học thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia… Cho đến nay, tỷ lệ dân số có trình độ đại học đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn vấn đề phải lưu ý.

“Đầu tư vào con người tức là phải đầu tư vào các kỹ năng và lực lượng lao động thế kỷ 21. Nó bao gồm hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Trong khi đó, giáo dục đại học phải phù hợp và chất lượng”, bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.

Với hai trụ cột còn lại, theo gợi ý của WB, Việt Nam nên phát triển cơ sở hạ tầng với các điểm then chốt gồm ngành điện bền vững, các thành phố đáng sống – cạnh tranh và sự kết nối. Việc này có thể triển khai bằng cách huy động nguồn tài chính có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Trong khi đó, cải cách thể chế phải hướng đến một nền quản trị kinh tế hiện đại, được nhận diện bằng các yếu tố như thể chế thị trường với sân chơi bình đẳng, môi trường pháp luật cạnh tranh và các yếu tố thị trường hiệu quả.

Viễn Thông

vnexpress

BÌNH LUẬN