Hoạt động hiệu quả và minh bạch báo cáo tài chính là hai trong nhiều điều kiện quan trọng để doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được vốn ngân hàng…, đây là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho DNNVV” được Ngân hàng Nhà nước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 5/10/2017, tại Hà Nội.

Cần tăng “sức khỏe” của doanh nghiệp

Vốn cho DNNVV là câu chuyện đã được nhắc đến lâu nay, DN than khó tiếp cận vốn nhưng bản thân các ngân hàng có vốn cũng khó mở rộng tín dụng cho khu vực này do những điều kiện thực tế từ hoạt động của các DN chưa đáp ứng được yêu cầu cho vay.

Theo TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh không cao. Ngay cả những điểm vẫn coi là lợi thế của DNNVV như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà trước hết là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ… thì nay cũng không còn là lợi thế. Trên thực tế, không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo đủ 100% vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Chỉ ra 8 nguyên nhân khiến tín dụng cho DNNVV chưa cao như: ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy, thiếu thông tin minh bạch đối với DNNVV; bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh; nợ xấu chưa xử lý dứt điểm; thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN; thị trường vốn chưa phát triển; môi trường kinh doanh còn phức tạp.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính còn nhấn mạnh rằng, còn có nguyên nhân đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các TCTD chưa có các sản phẩm – dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.

TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5-1,5%. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được vay tín chấp tại các ngân hàng, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, “các DN đặc biệt là DNNVV cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính thì chắc chắn ngân hàng sẽ là người bạn đồng hành cùng DNNVV” – ông Nghĩa khẳng định.

Tăng cho vay tín chấp và phát triển sản phẩm dành riêng cho DNNVV

Ông Lâm Văn Chiểu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp kiến nghị từ thực tế của DN rằng diện tích sản xuất của DN rất lớn nhưng là đi thuê của bà con nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Vì vậy, theo ông Chiểu, ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, xem xét các DN làm ăn hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ cho vay tín chấp để tạo điều kiện cho DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Cần minh bạch hóa thông tin DN như xây dựng cơ sở dữ liệu về DNNVV để các TCTD có thể truy cập và sử dụng. Đồng thời, phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV, trong đó có các sản phẩm phù hợp với khu vực DN này như thủ tục, hồ sơ, lãi suất, tài sản bảo đảm…; Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi.

Gỡ khó về tín dụng cho khu vực này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN cho hay, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào một số các giải pháp, trong đó trọng tâm là phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Đồng thời khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới như: các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Ông Hùng cũng cho biết, giải pháp của ngành ngân hàng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các DN. Đặc biệt, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng. Tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn.

Thùy Linh

Nguồn: baocongthuong

BÌNH LUẬN