So với “người anh em” phương Nam của mình là Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội chấp nhận chịu lép vế trên mọi tiêu chí đề ra về cả thị phần, doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng và cả kỳ vọng của nhà đầu tư.

Chỉ trong nửa tháng vừa qua, từ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và cổ đông của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) liên tục nhận được nhiều thông tin nửa mừng nửa lo.

Khởi nguồn là cuộc họp hội đồng quản trị Habeco vào ngày 30/8 vừa qua. HĐQT đã quyết định tạm dừng quyền điều hành đối với Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh – người đại diện phần vốn Nhà nước tại đây. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Linh cũng chấm dứt vai trò người đại diện theo pháp luật của Habeco, nhường chức cho ông Ngô Quế Lâm – Phó Tổng giám đốc được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Được biết, việc thay đổi nhân sự trên có hiệu lực từ ngày 21/8.

Lý do HĐQT Habeco đưa ra cho việc “đình chỉ” quyền điều hành của ông Linh là để tập trung thực hiện nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước Habeco và thu hồi công nợ, xử lý những vấn đề liên quan giữa công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Nghệ An và Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Lào.

Chỉ vài ngày sau, ngày 3/9, Carlsberg Breweris A/S – đối tác ngoại của Habeco tiếp tục có văn bản thay đổi người đại diện của hãng, đề xuất ông Stefano Clini – Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam tham gia thành viên Hội đồng quản trị Habeco, thay thế ông Soren Ravn nghỉ vì lý do cá nhân.

Hiện, Carlsberg đang là cổ đông ngoại nắm giữ 17,34% vốn cổ phần tại Habeco, bộ Công Thương nắm giữ 81,79% cổ phần, tương ứng 189.592.400 cổ phiếu. Không ít lần cổ đông ngoại này ngỏ ý việc muốn mua lại toàn bộ phần vốn mà bộ Công Thương đang nắm giữ tại Habeco, song hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nếu không được, ngoài quyền được ưu tiên mua cổ phần thì Carlsberg cũng muốn nắm giữ số cổ phần chi phối trên 51% tại Habeco.

Theo thông tin CTCP chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra trong bản tin thị trường mới nhất, nhiều khả năng bộ Công Thương sẽ bán khoảng 31,7% cổ phần Habeco, đây cũng là mức tối đa cho phép theo room nước ngoài hiện tại.

“Chuyển nhượng một phần cổ phần sẽ có tác động hữu ích giúp Chính phủ bổ sung nguồn ngân sách trước cuối năm. Với thực tế thị phần giảm dần và tăng trưởng lợi nhuận thấp, cổ phiếu Habeco thiếu các yếu tố hỗ trợ giá khác ngoài câu chuyện bán cổ phần Nhà nước. Tuy nhiên, nếu Carlsberg mua được cổ phần kiểm soát, sẽ có sự biến chuyển lớn đối với công ty và cổ phiếu” – công ty chứng khoán HSC nhận định.

Đầu tư - Hai 'ông lớn' ngành bia - những mảng màu đối lập

Bia Hà Nội “mất dần” thị phần bia rượu phía Bắc.

Thực tế, so với người anh em phía Nam của mình là Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Habeco chịu lép vế hơn. Đặc biệt trong năm 2016, bức tranh lợi nhuận của hai ông lớn ngành bia đã tô lên những mảng màu đối lập.

Năm 2016, mặc dù cũng trải qua nhiều lùm xùm trong công tác nhân sự cấp cao nhưng Sabeco đã tự hào báo lãi kỷ lục với lợi nhuận trước thuế đạt 5.707 tỷ đồng, tăng tới 31% so với năm 2015. Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất của Tổng công ty này từ khi thành lập. Mặt khác, doanh thu của Sabeco cũng tăng mạnh tới 13% khi đạt mốc 30.666 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở đầu cầu phía Bắc, Habeco chỉ lãi hơn 1.000 tỷ đồng, giảm tới 16% so với 2015 và kém gần 6 lần so với người anh em phương Nam. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay đối với “đứa con” của bộ Công Thương. Giải trình về việc không hoàn thành kế hoạch năm 2016 cả về con số doanh thu lẫn lợi nhuận, đại diện Habeco cho rằng, công ty phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp cùng ngành khác. Vì vậy để duy trì sản lượng tiêu thụ và giữ thị phần sản phẩm, Habeco đã phải tăng chi phí để đẩy mạnh công tác marketing, hỗ trợ bán hàng và phát triển thị trường.

Thị phần của Habeco đã giảm trong vài năm qua, hiện chỉ chiếm khoảng 18% thị phần bia toàn quốc, giảm từ mức 20% ba năm trước. Habeco có vị thế mạnh ở thị trường miền Bắc, tại thị trường này HSC ước tính thị phần vào khoảng 50%. Tổng công suất của Habeco là 800 triệu lít mỗi năm và có tổng cộng 16 nhà máy bia.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù doanh thu của Habeco tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên lợi nhuận giảm, đặc biệt trong quý II/2017, lợi nhuận giảm tới 18%. Nguyên nhân mà Habeco đưa ra là do công ty tăng chi phí bán hàng để đảm bảo khả năng tiêu thụ và sức cạnh tranh trên thị trường, phần lãi thu từ tiền gửi ngân hàng giảm xuống.

Còn trên thị trường chứng khoán, mức giá mà nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra cho hai mã BHN của Habeco và SAB của Sabeco chính là thước đo có phần thực tế nhất cho kỳ vọng đối với trình độ phát triển của 2 doanh nghiệp này. Chốt phiên giao dịch ngày 14/9, giá cổ phiếu BHN là 100.000 đồng/cổ phiếu còn thị giá SAB là 277.000 đồng/cổ phiếu – gấp gần 28 lần mệnh giá.

nguoiduatin.vn

BÌNH LUẬN