Lượng “giấy phép con” sau rà soát, cắt bỏ cao hơn dự kiến ban đầu, nhưng vẫn còn 541 điều kiện gây khó doanh nghiệp.

Ngày 21/9, Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh giai đoạn 2017 – 2018. Theo đó, sẽ có 675 điều kiện của 27 ngành nghề, lĩnh vực được cắt giảm, tăng 63 điều kiện so với dự kiến trước đây.

Quyết định của Bộ trưởng Công Thương công bố chỉ một ngày trước cuộc họp giữa cơ quan này với Tổ công tác của Chính phủ diễn ra ngày mai (22/9) về nội dung trên. Sau động thái này, lượng “giấy phép con” còn lại của Bộ Công Thương là 541, thay vì số dự kiến ban đầu 752 điều kiện.

sau-cat-giam-bo-cong-thuong-van-con-hon-500-dieu-kien-kinh-doanh

Bộ Công Thương giảm 675 điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn còn 541 điều kiện tồn tại gây khó cho doanh nghiệp.

Trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát của ngành Công Thương có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. 17 ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Cơ quan này cũng khẳng định tới đây sẽ tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan. Với các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra, Bộ sẽ tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

Trước đó, báo cáo gửi Tổ công tác Chính phủ của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Bộ Công Thương với 1.216 điều kiện kinh doanh đang tồn tại, là “quán quân” trong số các bộ, ngành còn nhiều thủ tục hành chính cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phần lớn các điều kiện kinh doanh này đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.

Anh Minh

Nguồn: vnexpress.net

BÌNH LUẬN