Sau nhiều năm gắn bó ngành truyền thông, ông Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Tổng giám đốc VTC lại tiếp tục với vai trò người tài trợ, hướng dẫn một loạt các dự án startup.

Nguyên Tổng giám đốc VTC Nguyễn Xuân Cường

 

Khao khát “thổi hồn” công nghệ cao vào cuộc sống
Sinh năm 1973, đến nay mới ở tuổi ngoại tứ tuần thật hiếm ai lại từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của một tổng công ty truyền thông lớn như ông Nguyễn Xuân Cường. Từng công tác hơn 9 năm tại VTC, trong đó 5 năm làm Phó Tổng giám đốc, 4 năm làm Tổng giám đốc. Trong thời gian công tác tại VTC ông Cường đã cùng các đồng sự khởi xướng dịch vụ Nội dung số tại Việt Nam, đến nay được xã hội thừa nhận là một ngành công nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới.
Không những vậy, ông Cường cũng từng là thành viên sáng lập và điều hành công ty VTC Intecom kiêm chủ tịch các công ty VTC Online, VTC Mobile.
Đến năm 2015, ông Cường nhận quyết định chuyển công tác về làm Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam – Bộ Thông tin truyền thông. Cho đến thời điểm hiện tại ông là Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam và đang đảm nhận vai trò mà như ông nói rất khiêm tốn – “người hướng dẫn” một loạt các dự án startup.
Đến gặp ông vào một buổi chiều mưa, tại văn phòng nơi có các dự án startup mà ông dẫn dắt đang hoạt động. Chúng tôi rất bất ngờ khi được tiếp xúc với một người đàn ông từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của một tổng công ty truyền thông lớn lại điềm đạm như vậy. Tiếp chuyện chúng tôi ông vừa lắng nghe, vừa chia sẻ một cách nhẹ nhàng, thấu hiểu về chuyện nghề, chuyện đời và cả chuyện về các dự án startup hiện nay.
Qua những chia sẻ cởi mở với với ông chúng tôi nhận thấy sự tâm huyết, niềm đam mê và khao khát tạo dựng những điều tốt đẹp hơn từ việc áp dụng công nghệ cao vào cuộc sống.
Đầu năm 2017, ông Nguyễn Xuân Cường tuyên bố nhằm hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia, ông sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, và đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ông dự kiến sẽ tài trợ cho 5 dự án tối thiểu là 200 triệu và tối đa là 500 triệu đồng.
Thự tế cho đến hiện tại ông Cường đang hướng dẫn cho 14 dự án startup và trực tiếp đầu tư vào 5 doanh nghiệp trong đó có 4 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Muốn bù đắp thiệt thòi cho ngành nông nghiệp
Lý giải việc ưu tiên cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, ông Cường cho biết là người am hiểu công nghệ lại nhận thấy lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất nên ông đã chọn hướng dẫn và đầu tư cho các dự án startup về lĩnh vực này.
“việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ nâng cao sức cạnh tranh, đưa lại hiệu quả trực tiếp, gián tiếp cho người nông dân và doanh nghiệp” – Ông Cường nói.
Ông Cường đánh giá các dự án này sớm sẽ gặt được kết quả và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Điển hình một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Dự án Nuôi cấy mô tế bào thực vật tạo ra giống cây số lượng lớn, chất lượng tốt, sạch bệnh, giá thành thấp, nhân giống trên một số đối tượng mà phương pháp thông thường không thực hiện được.
Đặc biệt hơn, dự án flycam phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với mỗi flycam tương đương với sức lao động của 50 người, sẽ giảm số lượng người phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật (giảm chi phí y tế trong tương lai), giảm số lượng và chi phí thuốc, phun nhanh kịp thời đảm bảo mùa màng cho nông dân.
Thêm nữa, dự án Thương mại điện tử trong nông nghiệp sẽ thúc đẩy thương mại nông nghiệp ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu làm tốt sẽ giảm được việc giải cứu nông nghiệp diễn ra thường xuyên như hiện nay. Ngoài ra còn các Dự án Nông nghiệp kết hợp du lịch, Nông nghiệp Sinh thái vùng Biển…
Không chỉ riêng với các dụ án về nông nghiệp, ông Cường còn hướng dẫn cho dự án mới trong lĩnh vực đấu giá tranh nghệ thuật, tạo ra nhà đấu giá chọn Auction House tiên phong, chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh nghệ thuật. Với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm thẩm định và đánh giá tranh đã giúp giúp các nghệ sỹ đưa tác phẩm ra thị trường, các tác phẩm tìm được nhà sưu tập phù hợp, góp phần tăng tính thanh khoản, thúc đẩy phát triển thị trường tranh nghệ thuật ở Việt Nam.
Ở cương vị là người hướng dẫn các dự án startup, ông Cường cho rằng để startup thành công cần có đội ngũ sáng lập tự tin, đam mê, nhiệt huyết cống hiến, có khả năng học hỏi, liên tục hành động khám phá để mở đường. Mặc dù ý tưởng ban đầu quan trọng nhưng không phải quyết định, lúc cần thiết có thể điều chỉnh để thích ứng với điều kiện thực tế của môi trường kinh doanh.

Thiên Di – Diệu Ly

BÌNH LUẬN