Mặc dù nhiều mặt hàng của Việt Nam đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, nhưng phần lớn DN không tự tin dùng tiếng Việt để xây dựng thương hiệu.

Sự thiếu tự tin ấy đã khiến DN Việt tự đánh mất mình.

Đặt tên Tây cho sang – chảnh

Trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, ngành hàng dệt may thuộc top đứng đầu về việc mượn tên nước ngoài gán cho hàng nội khiến người tiêu dùng tưởng đó là hàng ngoại nhập. Cụ thể, một số sản phẩm của Tổng Công ty CP may Việt Tiến mặc dù là hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại mang tên Manhattan, San seiaro, TT-up… Tương tự, Tổng Công ty CP may Nhà Bè tung ra thị trường sản phẩm nội địa trăm phần trăm nhưng nhãn hiệu lại là mang tên ngoại: Novelty, Mattana…

Hãng sản xuất giày dép Biti’s mặc dù tạo ra nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưu thích nhưng có không ít sản phẩm mang tên “Tây” như giày Gosto. Hay những thương hiệu khác đã mang những cái tên “Tây” ngay từ đầu như Nino Maxx, Blue Exchange, Foci… lâu nay cũng đã được giới tiêu dùng biết đến.

Không chỉ mặt hàng dệt may, nhiều sản phẩm gia dụng do DN Việt Nam sản xuất vậy. Chẳng hạn máy lọc nước nhãn hiệu Kangaroo đã làm không ít người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa cho rằng đây là sản phẩm do Úc sản xuất hoặc sử dụng công nghệ Úc sản xuất tại Việt Nam bởi những người không biết tiếng Anh khi đọc Kangaroo lại đọc nhầm thành Kangguru.

Đây không phải là sản phẩm duy nhất mà còn nhiều mặt hàng khác như mặt hàng điện máy nhãn hiệu Goold Sun khiến người tiêu dùng nghĩ là hàng ngoại nhập. Rồi đến cả trung tâm thương mại, dự án bất động sản cũng trong tình trạng gắn thêm các từ tiếng Anh như Plaza, Tower, Times, Garden, City, Square, Riverside, Park… Tên “ngoại” không chỉ xuất hiện ở các dự án bất động sản lớn mà ngay cả các khách sạn cũng mang tên nước ngoài như Golden Plaza, Golden Lake , Luxury, Triumphal, Rising Dragon Lucky Star …

Vẫn yếu khâu truyền thông

Theo các DN trong nước, sở dĩ họ phải sử dụng nhãn hiệu ngoại gắn lên hàng nội là do vẫn có không ít người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại, cứ thấy hàng ngoại là mua mà không cần suy xét cùng một mặt hàng thì hàng nội tốt hơn hay hàng ngoại tốt hơn. Anh Trung Dũng – Giám đốc khách sạn tư nhân Victory khu vực phố cổ Hoàn Kiếm cho biết: Tôi quyết định đổi tên khách sạn là Victory thay vì Thắng Lợi bởi nghe cái tên Victory “sang hơn” mặc dù thực chất Victory chỉ là tên phiên âm tiếng Anh của Thắng Lợi. Có như vậy là do tâm lý du lịch nhất là khách quốc tế khi nghe tên Victory có thể sẽ liên tưởng, đây là khách sạn Việt Nam chất lượng dịch vụ và phòng ốc tốt, trong khi tên gọi và chất lượng dịch vụ là 2 phạm trù khác hẳn.

Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, đại diện các DN đều có chung ý kiến: Hiện DN Việt Nam vẫn bị khống chế mức trần chi phí quảng cáo ở 15% so với tổng chi phí thực tế phát sinh, trong khi đa phần DN Việt Nam là vừa và nhỏ nên kinh phí giới thiệu quảng bá sản phẩm không nhiều. Vì vậy việc đặt tên “Tây” cho hàng Việt là bởi tên “Tây” dễ nhớ hơn tên Việt nên DN không mất quá nhiều kinh phí quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương: Cách đặt tên trên mặc dù có tác dụng giúp DN tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí quảng bá, nhưng điều đó cũng cho thấy chính bản thân DN lại “quên” xây dựng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn Chương trình thương hiệu quốc gia cho rằng: Nhà nước nên tiến đến xóa việc quản lý phần trăm chi phí quảng cáo đối với DN vì tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nhãn hiệu trong cùng một DN, giữa các DN thuộc các ngành. Đồng thời để các thương hiệu cao cấp Việt Nam tự tin cạnh tranh với các thương hiệu cùng đẳng cấp, Nhà nước cần có những ưu đãi cho DN tiên phong, tích cực tuyên truyền mạnh hơn nữa để người Việt tự hào khi sử dụng hàng Việt.

 Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân DN trong quá trình xây dựng thương hiệu cho hàng Việt cũng phải thay đổi cách suy nghĩ theo hướng coi tiếng Việt là “hàng Việt Nam” chất lượng cao, bởi ngôn ngữ chính là đặc trưng văn hoá, là niềm tự hào của mỗi quốc gia. DN cũng phải nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông qua đó khẳng định thương hiệu của mình.

Minh Ngọc

BÌNH LUẬN