SCIC được chấp thuận rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới

Một trong 4 doanh nghiệp SCIC sẽ chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 – 2020 là Công ty CP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam – doanh nghiệp được lập ra nhằm triển khai xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam…

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2020.

Cụ thể, theo phương án phân loại, sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC ) đến năm 2020, có 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH 1TV Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê; TNHH MTV In thống kê TP.HCM.

2 doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 – 2020. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp xử lý theo phương thức đặc thù: CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế; CTCP dịch vụ thương mại công nghiệp; CTCP XNK Vĩnh Lợi.

4 doanh nghiệp SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 – 2020 là: CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC.

Công ty CP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được lập ra nhằm triển khai xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam. Như vậy, với phương án bán vốn như trên, SCIC được chấp thuận rút khỏi dự án này.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.

Cơ quan này cho biết, từ cuối tháng 5, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty trên. Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam – một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới. Lý do của đơn vị này là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.

Tại công văn nêu trên, VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.

Dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây được đánh giá là dự án tầm cỡ quốc tế, có tính chất đặc thù nên cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Khi đó, lãnh đạo VTV cũng cho biết độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo – Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu – Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

BÌNH LUẬN