Ngoài các bài trí ở phần không gian sinh hoạt, ngày càng nhiều gia chủ xem bể cá cảnh, hồ thủy sinh không chỉ là thú chơi nghệ thuật mà còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy. Mặt nước – cây cỏ – ánh sáng – bố cục… của bể cá cảnh, hồ thủy sinh hiện nay khá đa dạng, có nhiều chọn lựa cho người sử dụng nhưng đồng thời cũng nảy sinh không ít ý kiến khác nhau về ý nghĩa tốt – xấu và ảnh hưởng đến tài lộc, gia đạo.

Về cơ bản, như mọi thành phần khác trong không gian sống, cần xem xét phong thủy cho bể cá – hồ thủy sinh bắt đầu từ vị trí đặt để, sau đó là các yếu tố phương hướng, hình dáng, màu sắc, chất liệu và thậm chí đến chi tiết số lượng và chủng loại cá thả trong bể.
Vị trí, hình thế của một góc thiên nhiên

Có nhiều mức độ đưa thiên nhiên vào không gian sống tùy theo đặc tính môi trường và đặc trưng ngũ hành, âm dương của gia chủ và thổ trạch. Cha ông ta ngày trước đặt hồ bán nguyệt trước sân, xếp hòn non bộ góc vườn… đều tính toán phương hướng, vị trí cẩn thận. Các kinh nghiệm địa lý truyền thống khuyến cáo rằng phần Thanh Long (phía trái của nhà từ bên trong nhìn ra) và Minh Đường (phía trước) cần sự ổn định, thư giãn nên đặt bể cá cảnh sẽ hợp hơn phần Hậu Chẩm (phía sau) và Bạch Hổ (phía phải). Hoặc tài liệu phong thủy hiện đại thì khuyên có thể đặt bể cá cảnh ở các cung như Đông Nam chủ tài lộc, Chính Đông chủ về sức khỏe, gia đạo, hoặc cung Tây Bắc chủ về may mắn. Tuy nhiên, nếu dung hòa các “chỉ định” hay “chống chỉ định” ấy trong điều kiện nhà phố, biệt thự hoặc căn hộ thời hiện đại thì không thể áp đặt phương vị nào là tốt hay xấu cho bể cá cảnh, hồ thủy sinh như trong điều kiện nhà đất rộng rãi ở nông thôn, mà cần xem xét thứ tự ưu tiên. Sau khi định vị hệ thống cửa, bếp núc, phòng gia chủ, góc tâm linh, hệ thống cấp thoát nước… thì vị trí của mảng trang trí tiểu cảnh có sinh vật như bể cá cảnh vốn thuộc hai hành Thủy, Mộc, cần tìm chỗ bố trí sao cho tiện lợi trong sử dụng, bảo trì, đồng thời mức độ bể to hay nhỏ, cầu kỳ hay đơn giản… tùy thuộc vào vai trò làm điểm nhấn nổi bật, điểm bổ sung nội khí hay điểm thư giãn cân bằng.

Cụ thể, nếu muốn chọn bể cá cảnh – hồ thủy sinh làm điểm nhấn nổi bật thì vị trí phòng khách, phòng sinh hoạt chung hay bếp ăn… cần ưu tiên, nhất là đối với nhà phố hay căn hộ không quá rộng, thiếu kết nối với môi trường thiên nhiên bên ngoài. Những nội thất mang phong cách cổ điển trầm lắng quá, hay hiện đại giản lược quá cũng cần bể cá cảnh – hồ thủy sinh đóng vai trò điểm bổ sung nội khí tại các khu vực có tính chuyển tiếp như trục giao thông (cầu thang, hành lang…) hoặc khoảng trống giữa hệ thống đồ nội thất đều đặn, đơn điệu. Còn để tạo điểm thư giãn – cân bằng khí thì có thể xem xét vị trí ở các góc riêng tư như phòng làm việc, phòng vệ sinh, dĩ nhiên là mức độ trang trí của bể cá ở nơi riêng tư cần thật sự nhẹ nhàng, điểm xuyết chứ không thể mang tính rực rỡ hấp dẫn như ở ngoài phòng khách, tiền sảnh.

20140117-NT210_Hothuysinh_06
Một bể cá khá độc đáo, tương tự mặt bàn salon hài hòa, vừa phải

Yếu tố phong thủy Thủy khắc Hỏa cũng được đặt ra với bể cá cảnh – hồ thủy sinh trong nhà: tránh đặt trong bếp hay tránh phương nam (thuộc Hỏa). Tuy vậy, cần để ý rằng dạng Thủy trang trí nhẹ nhàng như bể cá chỉ cần không trực diện bếp lò là được, còn vấn đề kỵ hướng nam thì lại không hoàn toàn hợp lý. Có thể thấy cha ông ta vẫn dùng hồ bán nguyệt, bể cảnh ở phương nam của ngôi nhà nhằm giảm bớt hỏa vượng, hỏa trực xung môn cũng như tận dụng khả năng bốc hơi giảm nhiệt của mặt nước để điều hòa vi khí hậu rất tốt.

Những hình dạng bể cá như hình tròn, hình oval hoặc chữ nhật dài (thuộc các hành Kim, Mộc tương sinh với Thủy) là những hình dạng được ưa chuộng. Nhưng không có nghĩa là hình dạng khác sẽ bất lợi, mà vấn đề là sự hòa hợp hình khối của bể cá cảnh với không gian chung quanh, có được góc nhìn thuận lợi khi thưởng ngoạn cũng như sự thuận tiện và an toàn trong quá trình sử dụng. Dù bố cục theo dạng nào thì cũng cần bo tròn các cạnh vuông hay sắc nhọn, hoặc đóng khung bể bằng gỗ, thạch cao theo dạng khung tranh, dạng tủ kệ, dạng cột góc hoặc xây bờ chắc chắn, làm lối đi thuận tiện, kết hợp với xếp đặt cây cảnh… để đạt được tính thẩm mỹ cho nội – ngoại thất.

Giảm xấu tăng tốt cho một thú chơi tao nhã

Dưới góc nhìn của khoa học phong thủy thì thú chơi bể cá cảnh – hồ thủy sinh vừa tao nhã lại vừa giúp điều chỉnh nội khí hữu hiệu. Một số lưu ý dưới đây – tạm gọi là nguyên tắc 4H – sẽ giúp giảm xấu tăng tốt, tránh lạm dụng hay phô trương khi chọn lựa và tạo tác bể cá cho nội thất gia đình:

• Hữu dụng: Nhiều nhà đã khéo dùng bể cá như tấm bình phong để hạn chế tính “dương” từ ngoài tác động vào, giảm luồng đi lại trực xung, giảm tầm nhìn xuyên thấu. Cần hiểu rõ bể cá cảnh hay hồ thủy sinh vốn tụ ẩm nhiều, lại thêm hệ thống lọc, đèn sáng rực rỡ, rồi mùi nước cá, tiếng máy bơm kêu… có thể gây xáo trộn các không gian riêng tư cần nội khí âm, tĩnh lặng như phòng ngủ, phòng trẻ em. Một số nhà phố do diện tích hạn chế, thường tận dụng gầm cầu thang đặt bể cá trang trí, nhưng do bể cá thuộc âm mà gầm cầu thang lại là góc khuất, thiếu dương khí, vừa khó thao tác vệ sinh hồ cá lại vừa khó nhìn ngắm. Do đó, cần quan tâm hàng đầu đến quá trình sử dụng, bảo trì và hưởng thụ vẻ đẹp của bể cá sao cho hữu ích nhất.

• Hợp lý: Theo Dịch Lý, số 1 và 6 mang hành Thủy, còn số 4 và 9 mang hành Kim (tiền tài, sinh Thủy) nên giới chơi cá cảnh thường chọn những số này ứng với số lượng cá trong bể. Tuy nhiên, vì việc liên tưởng đồng âm thì người Hoa đọc số 4 là Tứ nghe như Tử (chết) nên nhiều người kiêng số 4. Phổ biến hiện nay hay dùng phối hợp 8-9 chú cá màu đỏ, vàng, cam như cá chép Nhật, cá la hán với một chú cá đen để tạo sự đầy đủ, an lành, bền vững. Ngoài ra, những loại cá có màu ánh kim như ngân long, mã giáp… cũng khá được chuộng. Tất nhiên, số lượng và màu sắc cá trong bể còn phụ thuộc vào tương quan kích thước giữa cá với bể, với không gian chung quanh, không thể áp dụng cứng nhắc.

• Hoàn thiện: Không nhất thiết làm bể cá đắt tiền hoành tráng mới là hợp phong thủy, mà cơ bản là sự phối hợp với bài trí nội thất toàn căn phòng để gia tăng tính hoàn thiện. Ngoài đặc tính ngũ hành cơ bản thuộc Thủy, bể cá cảnh và hồ thủy sinh còn thêm tính Mộc như cây thủy sinh, gỗ lũa; tính Kim ở kết cấu của bể: khung, giá đỡ, máng đèn…; tính Thổ: đá, sỏi, san hô; tính Hỏa: màu đỏ, tím hồng, cam của hệ thống đèn, màu của cá hay một số cây thủy sinh. Vì thế một bể cá hoàn thiện là khéo kết hợp, gia giảm các yếu tố ngũ hành kể trên sao cho tương sinh với mệnh chủ, bớt hành xung khắc, tăng hành bình hòa. Ví dụ, gia chủ mệnh Thổ thì bể cá hoàn thiện nên có nhiều cá vàng, cát sỏi màu vàng và trắng, bể có hình dáng cân đối ổn định, dùng ít cây cỏ.

• Hài hòa: Cảm nhận về vẻ đẹp với mỗi bể cá cảnh đều không giống nhau, tùy người, tùy cách bố trí, do vậy một bể cá “đẹp” là khi nó hài hòa với gia chủ và không gian chung quanh trên cơ sở cân bằng âm dương, sinh khắc ngũ hành. Với gia chủ mệnh Thủy, màu chủ đạo là màu đen hoặc xanh dương, có thể gia giảm thêm màu trắng và ít màu đỏ. Mệnh Mộc sẽ cần trang trí bể cá theo gam màu xanh, bể cây thủy sinh và hạn chế cá màu trắng hay ánh bạc, ánh vàng. Gia chủ mệnh Hỏa được khuyên dùng cá vàng, cam, đỏ và kỵ cá có màu xanh và đen. Trong khi đó cá màu vàng, trắng lại khá hợp với những ai mệnh Thổ và Kim.

Bài KTS Hà Anh Tuấn, ảnh Xuân Trang

Theo noithatmagazine

BÌNH LUẬN