Sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới – NASDAQ – yêu cầu các bước thủ tục kéo dài 6 tuần để “lên sàn”, với nhiều bộ tiêu chuẩn về tài chính, thanh khoản, quản trị.

Với những người quan tâm đến chứng khoán, chắc chắn đã từng nghe qua về NASDAQ – sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới với tổng giá trị vốn hóa khổng lồ 6.800 tỷ USD.

Để IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu – PV) một doanh nghiệp trên sàn NASDAQ, thủ tục không quá phức tạp nhưng yêu cầu thì không dễ đạt được.

“Gã khổng lồ” 46 tuổi

NASDAQ được thành lập bởi Hiệp hội Nhà đầu tư chứng khoán quốc gia Mỹ vào năm 1971.

Đơn vị này là sàn chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới, mở ra thời kỳ hoàn toàn mới trong thao tác giao dịch chứng khoán. Tại thời điểm ra đời, NASDAQ được mệnh danh là “sàn giao dịch chứng khoán của 100 năm tới”.

'Ga khong lo' 46 tuoi NASDAQ va thu tuc len san 6.800 ty USD tai My hinh anh 1
Bảng điện tử hiển thị tên mã, logo và giá trị của cổ phiếu các doanh nghiệp tại Nasdaq. Ảnh: Hyser.

Tính đến 2015, NASDAQ có tổng cộng 3.058 mã niêm yết với tổng giá trị vốn hóa ở mức 6.800 tỷ USD. Từ khi thành lập tới nay, sàn chứng khoán này luôn giữ được mức tăng trưởng trung bình hơn 9%/năm. Riêng giai đoạn từ năm 2009 sau khi suy thoái kinh tế toàn cầu kết thúc tới nay, sàn đã đạt mức tăng trưởng năm lên tới 18%.

4 bước để lên sàn NASDAQ

Theo hướng dẫn của NASDAQ, để IPO trên sàn này, các doanh nghiệp sẽ phải trải qua 4 bước kéo dài khoảng 5-6 tuần và phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe về tài chính để được chấp thuận niêm yết.

Hồ sơ IPO doanh nghiệp cần chuẩn bị để “lên sàn” sẽ bao gồm một bản đăng ký mã giao dịch, dùng để đặt trước mã giao dịch mà bạn mong muốn để đại diện cho cổ phiếu của doanh nghiệp.

Bản đăng ký này có thể được nộp qua mạng và mã giao dịch có thể được đặt trước 2 năm.

Bên cạnh đó, hồ sơ cũng bao gồm một bản đăng ký niêm yết, một bản chấp thuận niêm yết, một bản xác nhận sở hữu doanh nghiệp. Các tài liệu này đều có thể tải trên mạng về.

Hồ sơ cũng yêu cầu hóa đơn thanh toán phí đăng ký IPO. Phí này được thanh toán qua chuyển khoản hoặc viết séc. Hóa đơn thanh toán phải được đính kèm khi nộp hồ sơ IPO.

Tài liệu cuối cùng trong hồ sơ là bản đăng ký logo doanh nghiệp để hiển thị bên cạnh mã giao dịch trên bảng điện tử.

Sau khi nộp đầy đủ các tài liệu cần thiết, NASDAQ sẽ mất khoảng 5-6 tuần để duyệt hồ sơ và quyết định doanh nghiệp có phù hợp để niêm yết trên sàn hay không. Toàn bộ quá trình nộp hồ sơ có thể được hoàn thành qua mạng Internet.

Cụ thể, trong tuần đầu tiên, hồ sơ sẽ được xem xét để kiểm tra tính hợp lệ. Nếu có bất kỳ vấn đề nào với hồ sơ, nhân viên của NASDAQ sẽ gửi thư về cho doanh nghiệp đăng ký để yêu cầu sửa đổi và hoàn thiện việc xem xét hồ sơ trong tuần thứ hai và thứ ba.

'Ga khong lo' 46 tuoi NASDAQ va thu tuc len san 6.800 ty USD tai My hinh anh 2
Chi phí lên sàn được NASDAQ thu dựa trên giá trị vốn hóa của doanh nghiệp. Đồ họa: Ngô Minh.

Tới tuần tiếp theo, doanh nghiệp sẽ trao đổi với NASDAQ để hoàn thiện những thiếu sót trong hồ sơ. Sang các tuần thứ 5-6, nếu hồ sơ hợp lệ và doanh nghiệp đạt được những yêu cầu do sàn chứng khoán đề ra, hồ sơ IPO sẽ được chấp thuận và doanh nghiệp sẽ chính thức “lên sàn”.

Tiêu chuẩn để lên sàn NASDAQ

Các yêu cầu của sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới cũng khắt khe với nhiều bộ tiêu chuẩn tài chính. Để lên sàn NASDAQ, doanh nghiệp phải đạt ít nhất một bộ tiêu chuẩn.

Trong đó, bộ tiêu chuẩn về doanh thu với tổng doanh thu 3 năm gần nhất lớn hơn 11 triệu USD, không năm nào trong 3 năm gần nhất có doanh thu nhỏ hơn 0 USD và doanh thu hai năm gần nhất phải lớn hơn 2,2 triệu USD mỗi năm.

Với bộ tiêu chuẩn về vốn hóa và dòng tiền, doanh nghiệp muốn lên sàn NASDAQ phải có vốn hóa lớn hơn 550 triệu USD trong 12 tháng trước khi nộp hồ sơ. Tổng dòng tiền của doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất phải lớn hơn 27,5 triệu USD và không năm nào dòng tiền dưới 0 USD. Doanh thu năm trước của doanh nghiệp cũng phải đạt yêu cầu lớn hơn 110 triệu USD.

Hai bộ tiêu chuẩn tài chính còn lại đánh giá dựa trên vốn hóa cùng doanh thu và tài sản cố định.

Ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn tài chính, sàn còn có các yêu cầu về tính thanh khoản và quản trị doanh nghiệp.

Ngô Minh

BÌNH LUẬN