Cuộc sống muôn màu

GD&TĐ – Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang tiến hành thử nghiệm giải pháp mới nhằm giảm thiểu lượng rác vũ trụ.

Trò chuyện với robot là việc nhàm chán

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Tìm kiếm Khoa học quốc gia và ĐH Marseille (Pháp) khẳng định, trong thời gian trò chuyện với robot, thậm chí cả khi chúng có hình dáng và hành vi giống người, đồng thời có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, thì não người hoạt động theo cách khác so với trường hợp trò chuyện với con người.

Theo các nhà khoa học Pháp, robot có thể trợ giúp con người hiệu quả trong những nhiệm vụ, tình huống phức tạp, tuy nhiên trò chuyện với robot luôn là việc nhàm chán.

Nổ pin sạc để dọn rác vũ trụ

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang tiến hành thử nghiệm giải pháp mới nhằm giảm thiểu lượng rác vũ trụ. Ý tưởng rất đơn giản nhưng có tiềm năng lớn.

Thí nghiệm diễn ra trong các cabin đặc biệt, trong đó các kỹ sư phá hủy các pin sạc lithi-ion (pin li-ion) bằng nhiều cách như bắn phá, đốt nóng hoặc nạp quá điện… Nhờ vậy có thể kiểm tra xem làm cách nào gây nổ pin sạc để giảm bớt lượng rác vũ trụ.

Giải pháp này xuất phát từ việc các nhà khoa học biết rằng có khoảng 250 vụ nổ vệ tinh nhân tạo, trong đó 10 vụ là do nổ pin. Mỗi vệ tinh nhân tạo đã ngừng hoạt động hiện nay trên vũ trụ đều chứa các pin sạc cũ.

Phát hiện vành đai bụi xung quanh sao Thủy

Trong Hệ Mặt trời có khá nhiều bụi vũ trụ và vật chất liên sao, kể cả trên quỹ đạo Trái đất và sao Kim. Các nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ phát hiện ra rằng sao Thủy cũng có vành đai bụi.

Vành đai này có chiều rộng khoảng 15 triệu km, trong khi đường kính Sao Thủy chỉ là 4.880 km. “Chúng tôi tình cờ phát hiện ra vành đai này.

Cho đến nay, chúng tôi vẫn nghĩ rằng sao Thủy là quá nhỏ và quá gần Mặt trời để có thể tạo ra vành đai bụi riêng” – ông Guillermo Stenborg ở Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết như vậy.

Theo Nhật Linh
Interia, Onet

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN