Trong vũ trụ học và thiên văn học, không có gì có thể được xem là kết luận cuối cùng. Chứng cớ là những nghiên cứu mới nhất nhằm xác định tuổi thật của vũ trụ. Vào năm 1929, nhà bác học Edwin Hubble (người Mỹ) phát hiện các thiên hà chạy ra xa nhau theo tất cả mọi hướng. Trên cơ sở đó, ông kết luận là vũ trụ giãn nở. Bằng cách này, ông bác bỏ quan điểm lúc bấy giờ cho rằng vũ trụ là tĩnh, tức là không có khởi đầu cũng như không có kết thúc.

Nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein có ấn tượng mạnh với công trình nghiên cứu về vũ trụ giãn nở của Hubble. Năm 1931, ông quyết định đến thăm Đài quan sát thiên văn của Hubble ở Pasadena (Mỹ).

Trong thời gian này, Albert Einstein bắt đầu hướng về thuyết Vụ nổ lớn, do nhà vũ trụ học người Nga Aleksander Friedman khởi xướng. Trong một bài giảng vào tháng Hai năm 1931, Einstein bày tỏ rằng sự dịch chuyển về phía ánh sáng đỏ của các tinh vân xa xôi đã khiến “các cấu trúc già cỗi” của ông tan thành mây khói.

“Khả năng duy nhất là lúc ban đầu vũ trụ ở trong trạng thái tĩnh, sau đó nó trở nên không ổn định và bắt đầu giãn nở. Tuy nhiên không có ai tin vào điều này cả. Thuyết vũ trụ giãn nở được định hình trên cơ sở vận tốc chạy trốn của các tinh vân, cho quá ít thời gian để tồn tại vũ trụ mênh mông vậy” – Einstein khẳng định. Theo Einstein, tuổi của vũ trụ có thể là 10 tỷ năm và thời gian như vậy là quá ngắn ngủi.

Trong thực tế, 10 tỷ năm là giá trị gần bằng độ tuổi của vũ trụ mà chúng ta đã biết từ khoảng 20 năm nay. Vào năm 2001, sứ mệnh Tàu thăm dò Bất đẳng hướng vi sóng Wilkinson (Wilkinson Microwave Anisotropy Probe- WMAP) của NASA đã thực hiện phép đo nhiệt độ bức xạ tàn dư. Các nghiên cứu cho thấy tuổi vũ trụ là 13,75 tỷ năm. Vào năm 2019, những ước đoán công bố trên tạp chí “Science” khiến giới khoa học xôn xao khi cho rằng vũ trụ “chỉ mới” có 11,2 tỷ năm tuổi.

Điều đó có nghĩa là một số quá trình trong phát triển vũ trụ đã không thể diễn ra do thiếu thời gian. Tuy nhiên, vừa qua, một số nhà khoa học Mỹ sử dụng Kính viễn vọng ACT để nghiên cứu các nguồn ánh sáng xa nhất và khẳng định tuổi vũ trụ chính xác là 13,77 tỷ năm. Những tính toán này trùng khớp với các kết quả đo lường do Kính thiên văn không gian Planck (của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA) thực hiện năm 2010.

“Các nghiên cứu này khẳng định, Mô hình Chuẩn là tuyệt vời” – Giáo sư Lyman Page ở ĐH Princeton (Mỹ), cho biết.

Như vậy, vũ trụ đang ở trong “độ tuổi sơ sinh”. Nó còn phải trải qua thời gian trưởng thành rất dài rồi sau đó già cỗi. Nếu vũ trụ không suy sụp do kết quả của Vụ Co Lớn (Big Crunch) hoặc không bị xé nát bởi sự mở rộng ngày càng gia tăng, thì nó còn có thể tồn tại trong khoảng 100 nghìn tỷ năm nữa, cho đến khi tất cả các ngôi sao đều tắt, các lỗ đen đều hút hết vật chất xung quanh…

Theo Nauka

Theo giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN