Với EyeQ Tech, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến bằng nhận diện gương mặt thay vì dùng thẻ ATM.

Dự án EyeQ Tech vừa giành giải Đề án xuất sắc nhất tại cuộc thi Visa’s Everywhere Intiative (VEI), trị giá giải thưởng 500 triệu đồng sau khi vượt qua 8 đối thủ khác tại vòng chung kết vừa diễn ra ở TP HCM.

Theo nhà đồng sáng lập EyeQ Tech Lê Mai Tùng, ứng dụng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian thanh toán đồng thời tăng độ bảo mật cho tài khoản.

“Thông thường, người dùng cần nhập mã PIN hoặc ký xác nhận khi thanh toán trực tuyến bằng thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt của EyeQ Tech sẽ loại bỏ bước này. Hệ thống sẽ chụp ảnh khách hàng sau đó hiển thị thông tin chủ thẻ để xác nhận thanh toán”, ông Tùng cho biết.

Ông Lê Mai Tùng - đồng sáng lập EyeQ Tech thuyết trình đề án trước hội đồng giám khảo

Ông Lê Mai Tùng – đồng sáng lập EyeQ Tech thuyết trình đề án trước hội đồng giám khảo.

Công nghệ trên là lời giải của EyeQ Tech cho bài toán làm thế nào để mang đến cho khách hàng phương thức thanh toán kỹ thuật số pay-on-delivery (trả tiền khi giao hàng) mà không cần dùng tiền mặt, thay thế cho hình thức giao hàng – nhận tiền (COD). Đây là một trong ba thử thách do ban tổ chức VEI đưa ra nhằm giải quyết một số vấn đề của ngành thanh toán và thương mại Việt Nam hiện nay.

Cùng EyeQ Tech giải quyết thách thức trên còn có sự tham gia của startup du lịch Triip – nền tảng du lịch cung cấp trải nghiệm địa phương trên 100 quốc gia và Jupviec.vn – nền tảng kết nối người giúp việc với khách hàng. Trong đó, sản phẩm của Triip được các giám khảo đánh giá cao nhờ khả năng quản lý lượng lớn giao dịch trực tuyến với nhiều loại tiền tệ. Startup này được bình chọn là Đề án được yêu thích nhất với trị giá giải thưởng 100 triệu đồng.

Sở hữu hơn 10.000 lượt tải về trên Android giúp nền tảng Jupviec.vn có nhiều lợi thế. “Một trong số đó là lượng lớn khách hàng có thể thanh toán hóa đơn ngay trên ứng dụng”, đại diện nhóm cho biết. Đề án đạt giải Phổ cập tài chính toàn diện nhất với giải thưởng 100 triệu đồng.

Thử thách thứ hai dành cho các đội thi là tìm giải pháp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán điện tử, đặc biệt là những giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng ở nông thôn. 3 startup Propzy, Kamereo, BusinessEngine Pty Ltd cùng tham gia giải quyết vấn đề trên, trong đó Kamereo – chợ điện tử cung cấp nguyên liệu nhà bếp cho nhà hàng, khách sạn vừa và nhỏ thu hút nhiều sự chú ý từ hội đồng giám khảo.

Cụ thể, ứng dụng trên có nhiều giao dịch diễn ra hằng ngày, trong đó bao gồm những giao dịch làm việc với các công ty quốc tế. “Điều này mở rộng cơ hội quản lý tiền tệ cho các ngân hàng”, startup này cho biết. Kamereo cũng có nhiều ưu đãi tín dụng trong trường hợp người mua hàng thiếu kinh phí.

Thách thức cuối cùng của VEI dành cho ba đội Lozi, Alt Tek Global và LenddoEFL là tăng trải nghiệm mua sắm, giao dịch tài chính… của các khách hàng trẻ thông qua tận dụng các nền tảng truyền thông mạng xã hội.

Đại diện Visa chụp hình lưu niệm cùng 3 startup đạt giải: (thứ hai từ trái sang) ông Phan Hồng Minh - CEO Jupviec.vn, ông Hồ Việt Hải - đồng sáng lập Triip, ông Lê Mai Tùng - đồng sáng lập EyeQ Tech. 

Đại diện Visa chụp hình lưu niệm cùng 3 startup đạt giải: (thứ hai từ trái sang) ông Phan Hồng Minh – CEO Jupviec.vn, ông Hồ Việt Hải – đồng sáng lập Triip, ông Lê Mai Tùng – đồng sáng lập EyeQ Tech.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Mai Tùng – đại diện quán quân VEI cho hay, ban đầu EyeQ Tech dự định đăng ký sản phẩm ở thử thách thứ hai. Tuy nhiên, sau khi nhận được tư vấn chuyên môn từ phía các chuyên gia Visa, nhóm đã điều chỉnh lại nội dung dự thi để phù hợp hơn với sản phẩm.

Ông cũng đánh giá cao tính chuyên nghiệp của cuộc thi khi nhận những tư vấn thiết thực của các chuyên gia trong 3 tháng tranh tài. “Trước ngày diễn ra đêm chung kết một tuần, các startup có buổi gặp gỡ trực tuyến với chuyên gia để được hướng dẫn chi tiết thêm về đề án. Bên cạnh đó, cách hôm thi chung kết 2 ngày, nhóm chuyên gia gặp trực tiếp các đội để góp ý cho buổi thuyết trình đạt hiệu quả tốt nhất”, ông chia sẻ.

Ngoài số tiền thưởng 500 triệu đồng, đội thắng cuộc còn nhận sự hỗ trợ chuyên môn từ chuyên gia của Visa cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Ông Sean Preston – Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào kỳ vọng có thể làm việc và hợp tác với startup chiến thắng để hỗ trợ đơn vị phát triển đề án trong tương lai.

Đánh giá cao cuộc thi, ông Tô Duy Lâm – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP HCM nhận định, những góp ý từ chuyên gia và đối tác của Visa giúp startup Việt hiểu rõ hơn về cơ hội, thách thức mà fintech mang lại, từ đó có kế hoạch triển khai giải pháp phù hợp trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Visa’s Everywhere Initiative là chương trình sáng kiến toàn cầu dành cho các startup nhằm giải quyết các vấn đề của ngành thanh toán và thương mại, hoàn thiện ý tưởng sản phẩm và đề xuất giải pháp tương lai cho mạng lưới đối tác rộng khắp của Visa.

Hiện cuộc thi có mặt tại 40 quốc gia, trải dài từ Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á, Trung Đông đến châu Phi với hơn 2.100 startup tham gia và kêu gọi được hơn 2 tỷ USD đầu tư.

Vân Thảo

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN