Chế độ dinh dưỡng giúp tạo nguồn năng lượng duy trì sự sống, hoạt động và sự tăng trưởng cho cơ thể, qua đó góp phần phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Ông tổ ngành Y Hippocrates đã nói: “Hãy để thức ăn làm thuốc và hãy để thuốc làm thức ăn”.

Trong Y học, dù Đông hay Tây cũng đều đề cập đến chế độ ăn uống cung cấp dinh dưỡng, tạo nguồn năng lượng giúp duy trì sự sống, hoạt động và sự tăng trưởng cho cơ thể, qua đó góp phần phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Ông tổ ngành Y Hippocrates đã nói: “Hãy để thức ăn làm thuốc và hãy để thuốc làm thức ăn”.

Đối với Đông Y, ăn uống hay thực dưỡng là một trong bốn nội dung quan trọng của phép Dưỡng sinh, nhằm nuôi dưỡng và bảo trì sự sống. Khái niệm “Thức ăn là thuốc – thuốc là thức ăn” bao hàm ý nghĩa ăn uống tốt và khoa học, để khi sức khoẻ bình thường – giúp cơ thể khoẻ mạnh và dự phòng bệnh tật, khi có bệnh – nó trở thành phương tiện góp phần tích cực vào việc điều trị.

1/ Thức ăn là thuốc

Nhằm đạt hiệu quả ăn để sống, giúp nhu cầu năng lượng đủ cho cơ thể hoạt động một cách cân bằng thì trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, phải kết hợp hài hòa các nhóm chất, cả về chất lượng lẫn số lượng. Thực phẩm thường được chia làm bốn nhóm chính theo thành phần dinh dưỡng: nhóm chất bột đường (carbohydrate), nhóm chất đạm (protein), nhóm chất béo (lipid) và nhóm vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Buổi sáng

Qua một đêm, khi tỉnh dậy chúng ta thường có cảm giác đói, do lượng carbohydrate và đường trong máu giảm thấp. Carbohydrate cung cấp năng lượng để hỗ trợ các hoạt động của cơ thể, nên nếu thiếu carbohydrate, cơ thể sẽ tiêu thụ protein của cơ để tạo năng lượng, đồng thời chuyển hoá chất béo chậm lại và tích tụ trong cơ thể, khối mỡ xuất hiện thay thế khối cơ bị giảm, gây cảm giác mệt mỏi, giảm hưng phấn, hoạt động trì trệ, thậm chí chóng mặt, tụt huyết áp… Chính vì lý do này mà chúng ta tuyệt đối không được bỏ qua bữa ăn sáng. Tốt nhất nên ăn trong giờ đầu tiên sau khi thức dậy để carbohydrate hấp thụ nhanh chóng và đảm bảo nguồn protein cho cơ bắp. Bữa ăn sáng cũng cần có đầy đủ các dưỡng chất như chất bột đường (cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở…), chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu đỗ…), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và muối khoáng (rau và trái cây).

Buổi trưa

Bữa trưa là bữa ăn lớn thứ hai trong ngày. Bữa ăn này rất quan trọng trong việc giữ gìn cơ bắp. Bữa trưa chất lượng giúp làm giảm sự thèm ngọt vào lúc giữa buổi chiều, khi lượng đường huyết bắt đầu giảm. Bữa trưa nên bổ sung đủ lượng đạm, đường, chất béo từ các thực phẩm như cơm, bánh mì, trứng, thịt gà, cá, giá, đậu, rau quả… Nên ăn trưa trong khoảng thời gian từ 12 đến 13 giờ, nguyên tắc là cách bữa sáng khoảng 4 giờ là tốt nhất. Nếu không ăn đúng giờ, dạ dày sẽ khó chịu, cơ thể mệt mỏi không rõ lý do.

Buổi xế

Buổi ăn tối có thể muộn, do đó để giữ cho sự trao đổi chất của cơ thể, nên cần ăn một chút đồ ăn nhẹ nào đó như các loại hạt hoặc hoa quả. Hạt thường chứa chất béo có lợi và lại có một lượng nhỏ protein.

Buổi tối

Vào thời điểm cuối ngày và nhất là ban đêm, cơ thể cần ít năng lượng hơn nên bữa ăn tối lý tưởng là không nên dùng nhiều thực phẩm chiên xào dầu mỡ, mà thay vào đó là thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, đạm từ đậu hoặc cá, thật ít cơm hoặc tinh bột. Bữa ăn tối lành mạnh là từ 18:30 đến 20 giờ. Không nên ăn quá muộn vì khi đó cơ thể nghỉ ngơi, hoạt động ít, nên dễ tích luỹ năng lượng, nồng độ đường và chất béo (triglyceride) trong máu sẽ duy trì ở mức cao. Để tránh tăng cân, nên ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất 3 tiếng.

2/ Thuốc là thức ăn

Bên cạnh việc cung cấp dưỡng chất qua các bữa ăn đều đặn hàng ngày, ở những người có vấn đề về sức khỏe hoặc đơn giản chỉ là để phòng ngừa bệnh lý, có thể tận dụng nguồn “thuốc” tự nhiên và quý giá trong thức ăn để chủ động bảo vệ sức khoẻ.

Đối với bệnh lý tiêu hoá như trướng bụng, khó tiêu, hay tiêu chảy, có thể dùng gừng để cầm tiêu chảy và giúp tiêu hoá tốt hơn. Sữa chua là một trong những thực phẩm tốt nhất cho việc nâng cao hiệu quả và sức khỏe của hệ tiêu hóa, nhờ hàm lượng probiotic cao, làm giảm nguy cơ tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, và tăng cường hệ miễn dịch. Khoai lang, bơ, táo… chứa nhiều chất xơ giúp làm sạch hệ đường ruột, phòng ngừa táo bón.

Đối với người bị tăng huyết áp, cá giúp duy trì huyết áp ở trạng thái bình thường nhờ chứa nhiều acid nucleic, cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và chất khoáng. Tỏi chứa allicin và selen, giúp làm giảm chất béo trong huyết thanh và trong gan, ngăn tiểu cầu tích tụ và phòng ngừa máu đông, trợ giúp cho huyết áp, tim mạch bình thường. Người bệnh tăng huyết áp vào mỗi sáng lúc bụng đói ăn 1-2 tép tỏi ngâm giấm đường giúp ổn định huyết áp. Củ hành, tôm khô có nhiều calcium giúp phòng ngừa tăng huyết áp. Bên cạnh đó, củ hành còn chứa Prostaglandins và thành phần kích hoạt hoạt tính của Fibrin tan trong máu, vốn là chất giãn mạch, giúp làm giảm áp lực của động mạch vành. Hoa cúc có thể dùng làm trà, nhờ vào các tinh dầu, flavonoid… có tác dụng hạ áp nhẹ.

Đối với người bị tăng mỡ máu, hành tây và thịt gà (đã bỏ da) giúp làm tăng lượng HDL (chất béo có lợi); đậu, giá đỗ… chứa nhiều chất xơ giúp ngăn hấp thu cholesterol tại ruột non; tỏi chứa allicin giúp ngăn hình thành cholesterol tại gan; nấm, rau diếp… trực tiếp làm giảm cholesterol trong máu. Trà xanh, bí đao vừa có tác dụng chống oxy hoá, vừa giúp giảm LDL (chất béo có hại) và thải loại mỡ thừa trong máu.

Đối với người bị đái tháo đường, một món ăn dân dã quen thuộc nhưng có hiệu quả hạ đường huyết rất tốt, đó là khổ qua. Có thể chế biến các món ăn với khổ qua như khổ qua xào trứng, khổ qua nhồi thịt, canh khổ qua cá thác lác… vừa ngon miệng vừa giúp đảm bảo ổn định đường huyết. Trà xanh (chè xanh), rượu vang đỏ là các thức uống ngon và góp phần hạ đường huyết. Bên cạnh đó còn có bơ đậu phộng (tránh không ăn với bánh quy hay bánh mì vì chúng rất giàu carbohydrate, làm tăng vọt đường huyết), quế, giấm, hạnh nhân…

Đối với người bị mất ngủ, hạnh nhân đặc biệt rất tốt. Hạnh nhân có magnesium vừa có lợi cho giấc ngủ và còn giúp thư giãn cơ bắp. Protein trong quả hạnh nhân giúp duy trì nồng độ đường trong máu ổn định trong khi ngủ, đồng thời giúp cơ thể chuyển trạng thái từ tim đập nhanh sang trạng thái cân bằng, thoải mái. Ở phụ nữ mãn kinh có thể có những cơn bốc hoả ban đêm gây mất ngủ, có thể cân bằng lại bằng estrogen tự nhiên có trong các sản phẩm từ đậu nành, giúp giảm triệu chứng và ngủ ngon. Chuối, trứng, đậu hủ, cá hồi giúp Tryptophan được chuyển hóa thành serotonin và melatonin, là chất hóa học tự nhiên giúp thư giãn, ngủ ngon…

Ngoài ra khi cảm lạnh mà có tô cháo cảm được nấu từ gạo – trứng, gừng hành, vừa giúp giải cảm, ấm người vừa tăng cường năng lượng dự trữ đối phó với yếu tố thời tiết gây ra.
PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay – Nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện ĐHYD TP.HCM

Theo Tạp chí Sức khỏe – Khoe24h.vn

BÌNH LUẬN