Thông qua câu chuyện một gia đình tan vỡ, tác phẩm được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài khắc họa mặt tối của nước Nga đương đại.

Tác phẩm mào đầu bằng khung cảnh một cánh rừng tuyết phủ, với những cành cây trơ trụi, khẳng khiu, chết cứng trong màu trắng lạnh lẽo bao trùm. Cú máy kéo dài còn khung hình tĩnh cố ghi lại từng chuyển động nhỏ nhất, kể cả những bông tuyết rơi nhẹ bẫng. Không có bất kỳ âm thanh nào của sự sống giữa cảnh mùa đông lạnh lẽo, như báo hiệu cho một câu chuyện đúng với tên gọi “Không có tình yêu”.

Alyosha (Matvey Novikov đóng) là một học sinh trung học 12 tuổi đang sống cùng bố mẹ tại vùng ngoại ô Moscow lạnh giá. Bạn bè nhận xét về cậu như một đứa trẻ lầm lì, ít nói, còn người mẹ nghĩ cậu sống bản năng, hoang dại. Cuộc sống của Alyosha lặng lẽ trôi đi đằng sau cánh cửa, nơi bên kia là những trận cãi vã của bố mẹ, hay bên khung cửa sổ nơi cậu hướng ánh mắt xa xăm ra một thế giới nào đó. Một ngày nọ, Alyosha bỗng nhiên mất tích sau buổi học. Đó là khi những góc khuất, sự rạn vỡ của các mối quan hệ được được phơi bày.

Tác phẩm của đạo diễn Nga Andrey Zvyagintsev gây liên tưởng đến một loạt phim cùng bầu không khí và đề tài. Phần hình ảnh – nhấn mạnh vào mùa đông nặng nề, tạo cảm giác như thời gian đóng băng trên những khung cửa tuyết dày – gợi nhớ đến Winter Sleep của đạo diễn người Thổ – Nuri Bilge Ceylan (tranh giải phim Oscar nói tiếng nước ngoài năm 2014). Những rạn nứt trong hôn nhân, cuộc sống không lối thoát của các cặp vợ chồng khá giống với A Separation hay Blue Valentine. Dù vậy, đạo diễn Andrey Zvyagintsev vẫn có những nét chấm phá để tạo được câu chuyện của riêng mình.

Dù lấy vụ mất tích là trung tâm, Loveless không phát triển theo hướng một tác phẩm hình sự đơn thuần. Tình tiết này – xuất hiện sau phút 40 – chỉ làm nền để đạo diễn đưa ra những vấn đề lớn hơn về hôn nhân và cuộc sống đương đại ở Nga.

Cậu bé sống trong cảnh thiếu tình thương.

Cậu bé sống trong cảnh thiếu tình thương.

Hai vợ chồng Zhenya (Maryana Spivak đóng) và Boris (Aleksey Rozin đóng) đều đã có kế hoạch cho cuộc hôn nhân mới của mình. Họ mang tâm thế sẵn sàng chia tay và đến với người mới, chỉ còn lấn cấn chuyện tài sản. Sự tồn tại của cậu con trai tưởng như là sợi dây liên kết duy nhất, nhưng hóa ra không phải. Đứa con giống như người thừa trong gia đình, thậm chí không gặp bố trong nhiều ngày. Việc Alyosha biến mất không khiến hai vợ chồng xích lại gần nhau, mà chỉ đào sâu thêm mâu thuẫn.

Bên cạnh những khủng hoảng trong hôn nhân, Loveless mở rộng chủ đề sang sự vô cảm giữa người với người trong xã hội đương đại. Zhenya khẳng định mình chưa từng yêu ai (ngoài mẹ nhưng chỉ “một chút, khi còn nhỏ”), kết hôn với chồng do sai lầm. Vào giây phút đứa con được sinh ra, cô thậm chí không muốn nhìn thấy nó. Tình mẫu tử – một trong những tình cảm thiêng liêng nhất – bị chối bỏ tàn nhẫn. Nhân vật này cũng bị mô tả như người nghiện các sản phẩm công nghệ.

Người cha Boris – dù không nói ra những lời nghiệt ngã như Zhenya – sống lờ đờ và suốt cả phim không có tương tác nào đáng kể với con trai. Tin cậu bé mất tích được anh đón nhận từ tốn, chậm rãi giữa giờ nghỉ trưa. Boris lạnh lùng phân tích các tình huống dựa trên ảnh hưởng của nó đến sự nghiệp của mình. Thông qua một chi tiết liên quan đến Boris, tác phẩm còn chỉ trích sự sùng bái tôn giáo quá mức. Ngoài bộ đôi này, các nhân vật khác cũng hiện ra như những người lạnh lẽo, cộc cằn hoặc cứng nhắc quá mức.

Tác phẩm có nhiều cảnh quay u ám.

Tác phẩm có nhiều cảnh quay u ám.

Cách ghi hình của đạo diễn thể hiện rõ dụng ý khắc họa thế giới thiếu tình thương. Việc làm tình – vốn là biểu hiện thăng hoa cảm xúc của con người – được quay trong bóng tối, khiến khán giả không thấy rõ biểu cảm nhân vật. Dù các cảnh ân ái không thiếu những mảng da thịt, Zvyagintsev ghi lại chúng theo hướng lạnh lùng và nhàm chán.

Không gian là chủ thể lớn trong những cú máy của Loveless. Ở những cảnh toàn, góc rộng, các nhân vật trở nên bé nhỏ, lạc lõng trên nền tuyết trắng của cánh rừng hay những con đường dài heo hút. Nhiều đúp quay vẫn kéo dài sau khi nhân vật bước khỏi khung hình hoặc đã chấm dứt hành động hoặc thoại. Lúc này, khán giả buộc phải chú ý đến không gian xung quanh – thường nhấn vào sự lạnh lẽo và cô đơn. Nhìn chung, Loveless mang phong cách khác biệt với các phim Mỹ, thường cắt cảnh gọn gàng và bám sát diễn biến câu chuyện.

Trên nền không khí nặng nề, Zvyagintsev hai lần đẩy cảm xúc đến cao trào – một lần mô tả sự thống khổ của cậu bé, một lần là sự bàng hoàng của người mẹ. Sau đó, tác phẩm kết thúc với nhịp điệu đều đều, vô hồn, như thể mọi chuyện đã được trả về như cũ. Cách Boris dùng tay nhấc đứa con thứ hai của mình bỏ vào cũi – nhẹ bẫng như nhấc một con mèo, hay ánh mắt của Zhenya nhìn chằm chằm và vô hồn vào máy quay khép lại vòng tròn luẩn quẩn trên hành trình của các nhân vật trong phim.

Andrey Zvyagintsev ăn mừng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp).

Andrey Zvyagintsev ăn mừng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp).

Không ai còn nhắc đến Alyosha, ngay cả khi tờ rơi đăng tìm cậu vẫn chưa được gỡ đi, ánh mắt buồn bã của cậu vẫn đong đầy các góc phố. Âm nhạc hoàn thành nốt phần còn lại của bản giao hưởng với những thanh âm không cảm xúc. Những khúc ngân dài, dai dẳng cứ thế xoáy sâu, trầm bổng, rồi tắt lịm như những thanh âm cuối cùng về tình yêu thương.

Andrey Zvyagintsev sinh năm 1964, là một trong những đại diện nổi bật nhất của điện ảnh Nga đương đại. Các phim của anh nhiều lần đoạt giải quốc tế, nhưng vấp phải chỉ trích ở quê nhà bởi lối khắc họa xã hội đen tối. Trên Guardian, đạo diễn khẳng định những vấn đề anh nêu ra là có thật: “Nếu tôi xây dựng một viên thị trưởng tha hóa, đó là vì những người như thế tồn tại. Tôi không muốn chống phá hay chỉ trích nước Nga. Tôi chỉ kể lại những câu chuyện quanh tôi”.

Dự án Loveless gặp khó khăn từ đầu bởi không được chính phủ Nga hậu thuẫn tài chính. Khi ra mắt, phim tiếp tục gây tranh cãi bởi mô tả nước Nga ngột ngạt còn con người thì xa cách và ích kỷ. Tuy nhiên, bởi danh tiếng của Zvyagintsev và việc tác phẩm giành giải của ban giám khảo (Jury Prize) ở Liên hoan phim Cannes, Nga vẫn chọn Loveless dự tranh giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài, nơi phim vào danh sách đề cử cuối cùng.

Thùy Sa

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN