Hành tinh d và e bay quanh ngôi sao lùn Trappist-1 chứa nước, nguồn nhiệt và nhiều yếu tố khác phù hợp cho sự sống phát triển.

Hệ thống sao Trappist-1 bao gồm 7 hành tinh. Ảnh: NASA.

Hệ thống sao Trappist-1 bao gồm 7 hành tinh. Ảnh: NASA.

Amy Barr tại Viện Khoa học Hành tinh, Mỹ, và các đồng nghiệp ở Hungary xây dựng mô hình toán học của 7 hành tinh thuộc hệ sao Trappist-1 và kết cấu bên trong của chúng. Họ phát hiện 6 trong số 7 hành tinh chứa nước dưới dạng lỏng hoặc băng đá. Trong khi đó, một hành tinh có đại dương bao phủ trên khắp bề mặt.

Nhóm nghiên cứu cũng lập mô phỏng quỹ đạo của các hành tinh để xác định nhiệt độ bề mặt của chúng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics hôm 24/1.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố phát hiện 7 hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất bay xung quanh ngôi sao lùn Trappist-1 vào năm 2016. Phát hiện này cho thấy, toàn bộ dải Ngân hà có thể chứa rất nhiều hành tinh đá giống Trái Đất và các nhà khoa học nhanh chóng tiến hành phân tích hệ thống sao Trappist-1.

“Đó là một trong những điểm mới của bài báo. Các hành tinh có quỹ đạo lệch tâm giống như hình quả trứng. Do đó, chúng sẽ bị kéo căng hoặc nén lại khi bay quanh ngôi sao”, Barr cho biết.

Mặt trăng Io của sao Mộc cũng xảy ra hiện tượng đẩy – kéo tương tự, tạo ra nhiệt thủy triều (tidal heat). Điều này khiến bề mặt của Io bị chia cắt bởi những núi lửa phun trào, dòng dung nham, các vết sẹo và lòng chảo.

Những lực tác động tương tự có lẽ cũng đang tồn tại trong hệ hành tinh Trappist-1. “Các hành tinh có sự chà xát riêng bên trong nó, bởi vì lực kéo căng và nén ép tạo ra sức nóng ở lõi”, Barr nói.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, các hành tinh b và c (mỗi hành tinh được ký hiệu bằng một chữ cái thường) xảy ra hiện tượng nhiệt thủy triều. Hành tinh c có thể chứa ít nước hoặc không có nước, nhưng chủ yếu là sắt và đá.

Hai hành tinh d và e được xác định là những hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống. Chúng cũng xảy ra hiện tượng nhiệt thủy triều nhưng với cường độ thấp hơn nên có nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt của hành tinh d khoảng 15 độ C, trong khi đó hành tinh e có nhiệt độ tương đương với khu vực Nam cực của Trái Đất.

Hiện tượng nhiệt thủy triều không chỉ làm nóng hành tinh mà còn thúc đẩy các quá trình hóa học và dòng chảy vật chất trong lớp phủ (mantle). Đây là điều kiện phù hợp để phát triển sự sống theo như hiểu biết của chúng ta hiện nay.

Thu Thủy

vnexpress

BÌNH LUẬN