“Xưởng 13” có kịch bản đan cài nhiều tình tiết bất ngờ, nhưng thể hiện của nhóm diễn viên trẻ chưa đủ sức nặng.

Tác phẩm là phim điện ảnh thứ ba của đạo diễn Phan Minh sau Tốc độ và đường cong (2014) và Trùm cỏ (2015), được dán nhãn C18 (cấm người dưới 18 tuổi). Đây là phim Việt thứ hai trong năm gắn mác 18+, sau Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ ra mắt tuần rồi.

Câu chuyện xoay quanh Black Cat – một nhóm bạn trẻ chuyên đi quay các hiện tượng siêu nhiên để đăng trên kênh Youtube của mình. Họ bao gồm Trọng (Jay Quân) – chàng trưởng nhóm, Như (Trương Mỹ Nhân) – chuyên gia tâm linh, Đại (Tuấn Trần) – anh chàng thích đùa giỡn và Viên (Brian Trần) – nhà quay phim.

Mong muốn có video gây sốt, Trọng thúc ép các thành viên đến ghi hình tại một xưởng may bị đồn có ma ám. Tại đây, một nam bảo vệ từng tự sát và cứ mỗi đêm, người dân xung quanh lại nghe tiếng hát nỉ non. Bất chấp lời cảnh báo của Phúc (Quý Bình) – một người bảo vệ già có thái độ bí hiểm, bộ tứ liều lĩnh đột nhập khu nhà xưởng vào đúng thứ Sáu ngày 13. Họ liên tiếp gặp phải những hiện tượng kỳ lạ và bắt đầu trả giá cho hành động của mình.

So với hai phim trước, đạo diễn kiêm biên kịch Phan Minh mang đến kịch bản gãy gọn hơn. Không còn lạm dụng tình tiết bất ngờ như Tốc độ và đường cong, hay cài cắm nhiều chi tiết hài lạc tông như Trùm cỏ, anh xây dựng câu chuyện tập trung hơn về đường dây và thể loại. Về tổng thể, Xưởng 13 là phim kinh dị nặng về yếu tố tâm lý hơn các màn chặt chém hay dọa ma.

Nội bộ bốn bạn trẻ có mâu thuẫn chủ đạo giữa Trọng – kẻ tham vọng nhất – và ba người còn lại. Xung đột này tạo ra nhiều tương tác trong nhóm suốt quá trình đi quay ma, khiến nhân vật có cá tính hơn. Sau hồi đầu chậm rãi, tiết tấu được đẩy nhanh với một số nút thắt bất ngờ, xoay chuyển vị trí nhân vật. Đoạn kết có phần nhẹ nhàng, chưa dữ dội như các phim cùng mô-típ của nước ngoài, nhưng phù hợp với mặt bằng điện ảnh trong nước, giải quyết được các tình tiết đã bày ra trước đó.

Bộ từ tiến vào nhà ma.

Bộ tứ tiến vào nhà ma.

Về kỹ thuật, Xưởng 13 làm tốt về hình ảnh, nhưng âm thanh là điểm trừ. Bối cảnh xưởng may được thiết kế khá rùng rợn với cấu trúc nhiều tầng, cảnh hoang phế và các con ma nơ canh được dàn trải để làm yếu tố gây sợ. Các cảnh quay bằng máy cầm tay của phim cũng góp phần tạo cảm giác chông chênh, phù hợp với nội dung phim xoay quanh những kẻ đi quay trộm.

Các màn hù dọa của phim – chủ yếu là jumpscare (chèn hình ảnh hoặc âm thanh bất thình lình để gây sợ) – được cài cắm khá tốt. Tuy nhiên, đạo diễn có phần lạm dụng nhạc nền – luôn được giữ ở âm lượng lớn – để tạo không khí ma quái. Có đoạn, khán giả thậm chí khó nghe rõ lời nhân vật.

Diễn xuất của các gương mặt trẻ trong phim nhìn chung khá nhạt, khiến tác phẩm không thể truyền tải hết ý tưởng. Gây thất vọng nhất là Trương Mỹ Nhân với ánh mắt trừng trừng, biểu cảm đơn điệu. Người đẹp xuất thân làng mẫu chưa đủ sức thể hiện một nhân vật có chiều sâu nội tâm có nỗi đau quá khứ và giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện.

Ma nơ canh xuất hiện khá ghê rợn trong phim.

Ma nơ canh xuất hiện khá ghê rợn trong phim.

Jay Quân (vai đểu) và Tuấn Trần (vai hài) ăn điểm nhờ ngoại hình phù hợp, nhưng lối diễn còn một màu. Vai của Brian Trần lúc đầu im lặng nhất trong bốn bạn trẻ, sau đó có vài cảnh để nổi lên, nhưng thần thái của anh trong trích đoạn này chưa diễn tả hết sự bùng nổ của nhân vật. Là người thâm niên nhất trong dàn diễn viên, Quý Bình cũng chỉ dừng ở kiểu diễn bằng kỹ thuật, nặng tính sân khấu mà thiếu đi vẻ tự nhiên. Phần hóa trang cho anh cũng không lột tả được hình ảnh nhân vật lớn tuổi.

Phim có thời lượng 82 phút, khởi chiếu từ ngày 19/1

BÌNH LUẬN