Các nhà khoa học NASA phát hiện muộn một tiểu hành tinh có thể xóa sạch sự sống trong đường kính 6 km nếu đâm vào Trái Đất.

Tiểu hành tinh khổng lồ lớn gần bằng một con cá voi tên 2017 VL2 được nhóm nghiên cứu ở đài thiên văn Mauna Loa quan sát hôm 10/11, theo International Business Times. Tuy nhiên, sau khi phân tích tốc độ và đường bay của nó, các nhà thiên văn phát hiện tiểu hành tinh này ghé sát Trái Đất khi bay qua hôm 9/11.

Tiểu hành tinh có đường kính 15  – 30 mét, bay cách Trái Đất khoảng 117.480 km, bằng 1/3 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Ở khoảng cách này, 2017 VL2 lướt qua Trái Đất an toàn. Nhưng trong trường hợp đâm trúng, kích thước đồ sộ của thiên thể cùng với vận tốc ước tính 9 km/giây của nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

tieu-hanh-tinh-to-bang-ca-voi-qua-mat-nasa-bay-suot-trai-dat

Tiểu hành tinh 2017 VL2 có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất. Ảnh minh họa: Alexyz3d.

Lực tác động từ vụ va chạm với tiểu hành tinh có thể tiêu diệt mọi sự sống trong đường kính 6 km. Theo máy tính dự báo va chạm với Trái Đất Impact Earth ở Đại học Purdue, lực tác động sẽ mạnh gấp 15 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản dưới thời Thế chiến II. Đây là một trong 7 tiểu hành tinh lớn nhất bay ngang qua Trái Đất trong năm nay, theo báo cáo trên trang Watchers.

Các nhà nghiên cứu cho biết 2017 VL2 không còn gây lo ngại bởi tiểu hành tinh sẽ không đến gần Trái Đất trước năm 2125. Thiên thể này thuộc nhóm tiểu hành tinh Apollo với hơn 80.000 thành viên. Trong số đó, 1.500 tiểu hành tinh đủ lớn để có thể đe dọa Trái Đất khi bay sượt qua.

Phương Hoa

vnexpress

BÌNH LUẬN