Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy để các vật lên tiếng về những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội đương đại.

Zero là tập mười truyện ngắn của nữ nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Tên của truyện ngắn thứ nhất được chọn làm nhan đề tác phẩm.

Lấy cảm hứng từ những vấn đề thời sự trong cuộc sống đương đại, nhà văn dẫn dắt người đọc đi vào tác phẩm của mình thông qua thế giới loài vật, đồ vật. Những vấn đề nóng của xã hội như trộm cắp, sính ngoại, ưa hình thức, làm việc cẩu thả, lái xe bạt mạng, mơ đổi đời nhờ vào vận may xổ số… được phản ánh trong cuộc trò chuyện của chó, mèo hay đồ phế thải, đồ dùng sinh hoạt, linh kiện xe máy…

zero-tap-truyen-phan-anh-cuoc-song-qua-the-gioi-do-vat

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy.

Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương – một trong mười truyện ngắn – là cuộc phân trần về cảnh ngộ lưu lạc của dĩa Zincome, thìa Ikea, vòi hoa sen Cole. Chúng đều là hàng nhập khẩu từ Pháp, được ban lãnh đạo công xưởng mua về nhằm cải thiện cuộc sống sinh hoạt của công nhân. Tuy nhiên, nhân vật Cổ ngẳng đã trưng dụng tài sản công bằng cách vặn ngoéo vòi hoa sen cùng bộ dĩa thìa mang về nhà.

Nhiều nhân vật là đồ ngoại lai có nguồn gốc Âu Mỹ xuất hiện trong nhà Cổ ngẳng khiến đồ bản địa vừa ngưỡng mộ, vừa ganh ghét. Thế nhưng, những đồ vật nhập khẩu tiện lợi, bóng loáng vẫn có thể bị rẻ rúng, hạ thấp công dụng bởi nếp sống tùy tiện, thiếu kỷ luật, thiếu am hiểu của người dùng nó.

Trong Pét pét, sự vô ý thức và coi thường tính mạng của người tham gia giao thông được lột tả qua cuộc cãi vã của còi, xi nhan, phanh và động cơ. Còi bị phanh, bác máy (tên nhân vật trong truyện ngắn) chỉ trích vì làm loạn khu phố. Người cầm lái xi nhan một đằng, rẽ một nẻo, tạt qua đầu chiếc mô tô cùng chiều khiến cả xe được phen hú vía.

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Pét pét là ví dụ tiêu biểu về sự quái dị, phi lý, hoang đường trong cấu tứ lập ý cùng tiếng cười lạnh lùng và cảm giác chua chát bế tắc không lối thoát”. Tiếng cười bật ra trong từng câu chuyện là sự cay đắng với những kết thúc bi đát.

Những vỏ chai sữa, vỏ lon bia, thằng bù nhìn rơm, chiếc thìa, dĩa, cái còi xe, chân chống, quả dưa lê, cây hoa cải, con chó, con mèo, con chuột… hợp thành một thế giới các vật tồn tại vui nhộn trong thế giới con người. Ngôn ngữ trong tác phẩm không mài giũa phức tạp mà bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói thông tục người Việt.

Nhà phê bình Hoài Nam đánh giá Zero mang dáng dấp của một tập truyện “ngụ ngôn đương đại cho người lớn”.

zero-tap-truyen-phan-anh-cuoc-song-qua-the-gioi-do-vat-1

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp cử nhân văn chương và tiếng Nga tại Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petursburg), Nga, cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 1986 đến 2000, chị là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, chị làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện Bích Thủy là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.

Các tác phẩm đã xuất bản gồm: Chạy trốn (truyện ngắn, 2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), Tiếng sáo lạc (2015), Đáy giếng (2016), tập truyện ngắn Zero(2017).

Trọng Trường

vnexpress

BÌNH LUẬN