Cô gái người Mỹ chia sẻ việc dùng thẻ tín dụng, vay tiền đi học và trả góp mua nhà giúp mình có cuộc sống tốt hơn.

Bài chia sẻ dưới đây là lý giải của cây viết Kelly Burch trên tờ Dailyworth về lý do chị khẳng định vay nợ không hẳn là điều xấu khi bạn biết sử dụng đúng mục đích và hiểu rõ sức mạnh của nó:

Khi tôi còn nhỏ, các cửa hàng đều hỏi khách xem họ trả tiền bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt. “Tôi không dùng thẻ. Tôi không nợ nần gì”, bố tôi đáp một cách tự hào.

Nhưng sự thật không phải vậy. Dù không có thẻ tín dụng, bố tôi nợ khá nhiều. Điện và nước nhà tôi thường xuyên bị cắt vì không trả đúng hạn. Một lần, đang đi giữa đường, xe của nhà tôi còn bị người ta thu luôn để gán nợ.

Chúng tôi rất nghèo. Bố mẹ tôi phải chật vật chi trả các hóa đơn. Nhưng chị em tôi được dạy rằng không được vay nợ ai. “Chỉ dùng tiền mặt thôi, chớ dùng thẻ”, cha tôi dặn dò.

Khi lớn lên và bắt đầu tự lập, tôi nhận ra rằng để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn nghèo túng, tôi cần nghĩ về việc vay nợ. Không ai giúp trang trải mua sách vở, thức ăn hay trả học phí đại học, tôi phải tự lo hết các khoản này.

co-gai-my-thoat-khoi-vong-ngheo-tung-khi-dat-minh-vao-vong-no-nan

Chị Kelly Burch. Ảnh: Kellyburchcreative.

Tôi làm việc cả ngày vào mùa hè và càng nhiều giờ càng tốt trong năm học nhưng vẫn không đủ tiền đáp ứng các chi phí. May mắn là, năm 2007, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi được làm một thẻ tín dụng mà không cần chứng minh thu nhập. Chiếc thẻ giúp tôi mua được những thứ cần cho cuộc sống ở ký túc khi vào đại học.

Tôi nhận được nhiều học bổng nhưng 4 năm đại học ở một thành phố lớn rất tốn kém nên tôi vẫn phải tiếp tục vay nợ. Tôi đã ký khoản vay sinh viên. Tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác chóng mặt và thấy vô lý khi số tiền vay 18.000 USD (khoảng hơn 400 triệu đồng) mà tổng lãi dài hạn tới 60.000 USD (khoảng hơn 1,36 tỷ đồng).

Dù những con số này vẫn lẩn quẩn trong đầu, thay vì sợ hãi hay trì hoãn việc trả nợ tới sau khi tốt nghiệp, tôi cố gắng trả dần hằng tháng ngay từ lúc vay. Sau 4 năm, tôi mới chỉ trả được một phần nhưng tự hào rằng mình đã khống chế được khoản lãi nhỏ dần.

Khi tốt nghiệp đại học, tôi may mắn có việc ngay nhưng tài chính vẫn eo hẹp. Tôi cưới một người nhập cư và anh ấy ban đầu chưa tìm được làm việc ở Mỹ do vấn đề visa nên cả một khoảng thời gian dài, thẻ tín dụng đã giúp chúng tôi co kéo. Cuối cùng, năm ngoái, sau khi trả hết nợ sinh viên, chúng tôi lại vay mua ngôi nhà đầu tiên.

Khoản trả góp mỗi tháng bằng một nửa chi phí thuê nhà nên vợ chồng tôi quyết định thay vì đưa số tiền đó cho chủ trọ thì đóng vào ngôi nhà riêng. Lần đầu tiên, tôi và chồng đều có công việc ổn định và các chi phí sinh hoạt đã thấp hơn thu nhập của cả hai. Sự ổn định, yên tâm tôi cảm nhận được khi sống trong ngôi nhà của chính mình – điều mà bố mẹ tôi chưa bao giờ làm được – thực sự xứng đáng với khoản nợ tôi đang gánh để mua nhà cũng như khoản vay để được đi học.

Nợ nần vẫn bị coi là điều tệ. Nhưng tôi nghĩ đó là một điều đáng sợ cần thiết. Nếu không vay nợ đi học, không có thẻ tín dụng và nợ mua nhà, tôi hẳn khó có được ngày hôm nay.

Tôi cũng không giỏi quản lý khoản nợ của mình. Cũng có những lần tôi lạm dụng thẻ tín dụng để trả cho bữa ăn hàng khi còn ở đại học hay lúc hẹn hò với chồng mình bây giờ. Nhưng, hầu hết, tôi ý thức được sức mạnh của nợ nần và không sử dụng nó một cách vô nghĩa.

Vương Linh

vnexpress

BÌNH LUẬN