Với mô-típ xuyên không, phim của Ngô Thanh Vân đề cao giá trị bất biến của giá trị truyền thống giữa làn sóng văn hóa phương Tây.

Dự án do Ngô Thanh Vân và Thủy Nguyễn sản xuất, Lộc Trần và Kay Nguyễn đạo diễn thu hút nhiều quan tâm trước ngày khởi chiếu bởi bối cảnh thập niên 60 và chủ đề về áo dài. Dù bối cảnh xưa xuất hiện nhiều trong quá trình quảng bá với các hình ảnh, từ ngữ và font chữ hoài cổ, chỉ một phần ba phim diễn ra ở giai đoạn này. Phần lớn thời lượng phim diễn ra ở thời điểm hiện tại khi nhân vật chính có chuyến du hành vượt thời gian.

Tác phẩm mở đầu với những thước phim tài liệu về Sài Gòn năm 1969, nơi các giá trị truyền thống và hiện đại xen lẫn nhau. Ở nhà may Thanh Nữ – nơi chín đời thành danh với chiếc áo dài, bà chủ Thanh Mai (Ngô Thanh Vân đóng) muốn hướng con gái là Như Ý (Lan Ngọc đóng) theo nghiệp gia truyền. Tuy nhiên, cô gái bướng bỉnh lại say mê trang phục phương Tây mà không chịu học may áo dài. Khi mâu thuẫn dâng cao, Thanh Mai thẳng tay tát con gái.

Sau đó, một sự kiện kỳ lạ xảy ra khiến Như Ý du hành đến thời điểm 48 năm sau. Cô bàng hoàng chứng kiến nhà may Thanh Nữ chỉ còn là chốn hoang tàn và cô trở thành một bà già bệ rạc, say xỉn, đổi tên là An Khánh (Hồng Vân đóng). Để cứu ngôi nhà khỏi cảnh bị xiết nợ, Như Ý phải làm công cho nhà thiết kế Helen (Diễm My 9x đóng) – con gái người em nuôi của cô khi xưa, giờ là một bà chủ thành đạt (Diễm My đóng).

So với Tấm Cám: Chuyện chưa kể – dự án phim Việt năm ngoái của Ngô Thanh Vân, Cô Ba Sài Gòn đánh dấu bước tiến về kịch bản (do Kay Nguyễn và cộng sự chấp bút). Đặt một nhân vật quá khứ ở tương lai, biên kịch không khó để tạo ra nhiều tiếng cười từ sự bỡ ngỡ, cũng như nỗ lực của nhân vật trong việc thích nghi với cuộc sống hiện đại. Như Ý là nhà thiết kế hàng đầu ở thập niên 60, nhưng ở thế giới hiện đại chỉ là kẻ lỗi thời với tư duy cũ kỹ. Nhiều trích đoạn hài hước được cài cắm dựa trên ý tưởng này, từ cảnh nhân vật bị bẽ mặt khi trình bày các ý tưởng thời trang đến việc cô mù tịt về công nghệ, Internet.

co-ba-sai-gon-kich-ban-tron-tria-ton-vinh-gia-tri-truyen-thong

Diễm My 9x và Lan Ngọc cạnh tranh trong “Cô Ba Sài Gòn”.

Kịch bản gạt bỏ yếu tố lãng mạn quen thuộc để tập trung vào đường dây chính là sự trưởng thành của Như Ý. Sự biến chuyển nội tâm của cô được thể hiện qua xung đột với chính mình trong tương lai. Các mẩu đối thoại giữa Như Ý và An Khánh được viết chỉn chu, vừa mang tính trào phúng, gây cười trực diện, vừa phản ánh được tâm lý của hai nhân vật có bản chất giống nhau, nhưng khác nhau về trải nghiệm. Như Ý còn trẻ và háo thắng, trong khi An Khánh là người trải đời, mệt mỏi với cuộc sống. Tuy nhiên, đam mê thời trang và tình yêu thương mẹ là điểm nối khiến hai nhân vật dần gắn kết và thay đổi bản thân.

Phim tái hiện sinh động thế giới thời trang. Theo Ngô Thanh Vân, ê-kíp sử dụng đến hơn 200 bộ áo, đại diện cho nhiều xu hướng của nhiều thập niên. Trong loạt cảnh ở công ty của Helen và các chương trình thời trang, phim phô diễn hàng loạt bộ trang phục bắt mắt. Ngoài ra, kịch bản cũng không ngại đưa vào nhiều thuật ngữ về thời trang mỗi khi các nhân vật tranh luận, giới thiệu về trang phục.

co-ba-sai-gon-kich-ban-tron-tria-ton-vinh-gia-tri-truyen-thong-1

Áo dài là điểm nhấn trong câu chuyện “Cô Ba Sài Gòn”.

Đây là điểm tiến bộ trong mặt bằng chung của phim Việt, vốn ít đào sâu về chuyên môn của những nghề nghiệp thể hiện trên phim. Trong các trang phục phim, áo dài vẫn được chú trọng nhất với nhiều câu thoại và cảnh quay lý giải chi tiết cách cắt may, tinh túy của trang phục truyền thống này. Sau nhiều tình tiết, ở hồi ba, phim trở về với thông điệp ban đầu là ca ngợi văn hóa truyền thống Việt Nam. Giữa vô vàn xu hướng Tây phương, đến cuối phim, tà áo dài của người Việt vẫn tung bay như giá trị bất biến với thời gian.

Các khâu thiết kế mỹ thuật, phục trang của phim đều tròn trịa, nhất là ở bối cảnh nhà may Thanh Nữ và văn phòng của Helen. Phần nhạc phim đẩy được cảm xúc, phối hợp các giai điệu cũ như Sài Gòn đẹp lắmMột thoáng quê hương và các bài mới như Tân thờiCô Ba Sài Gòn. Ý đồ về hình ảnh của phim được thể hiện khá rõ khi những cảnh xưa có một lớp hạt gợi cảm giác cũ kỹ, hoài niệm.

Dù xuất hiện trên nhiều poster quảng bá, nhân vật của Ngô Thanh Vân không chiếm nhiều thời lượng, do tuyến truyện ở tương lai giữ vai trò chủ đạo. Lan Ngọc, Diễm My 9x và Hồng Vân mới là những gương mặt nổi bật về diễn xuất. Lúc đầu, Lan Ngọc thể hiện hơi cường điệu sự kiêu căng, kệch cỡm của Như Ý. Nhưng về sau,  diễn viên bộc lộ cảm xúc tự nhiên hơn. Nghệ sĩ Hồng Vân tròn trịa trong vai nhân vật chính lúc về già, duyên dáng trong lối thoại cũng như các động tác say xỉn.

co-ba-sai-gon-kich-ban-tron-tria-ton-vinh-gia-tri-truyen-thong-2

Nghệ sĩ Hồng Vân gây ấn tượng về diễn xuất.

Trong khi đó, Diễm My 9x gây ấn tượng với vai nhà thiết kế quyền lực, mang phong cách hiện đại và tự tin. Ở cảnh Helen xuất hiện, cách cắt dựng và thần thái của Diễm My gợi nhớ lúc nhân vật Miranda của Meryl Streep bước vào văn phòng trong The Devil Wears Prada. Nhân vật Helen sau đó được phát triển khá chỉn chu, vừa tạo đối kháng với Như Ý, vừa phô bày sự kiêu ngạo và tham vọng gợi nhớ đến chính Như Ý ở đầu phim. Tuy nhiên, ở đoạn cuối, biên kịch xử lý vai này hơi an toàn, thay đổi tâm lý chóng vánh khiến hồi kết có phần bị hụt.

Các phân đoạn quá khứ chỉ toàn cảnh nội, còn ngoại cảnh được thể hiện ngắn ngủi qua các thước phim tài liệu, khiến tác phẩm thiếu sự sinh động về cuộc sống của người dân Sài Gòn xưa. Tuy nhiên, đây là lựa chọn phù hợp với kinh phí của một phim Việt, bởi việc phục dựng các cảnh đường phố ở thập niên 1960 chắc chắn đòi hỏi ngân sách lớn.

Cô Ba Sài Gòn khởi chiếu từ ngày 10/11.

Ân Nguyễn

vnexpress

BÌNH LUẬN