Cùng với phong trào khởi nghiệp lan rộng trong cả nước, nhiều mô hình khởi nghiệp do phụ nữ DTTS làm chủ cũng được triển khai; minh chứng cho năng lực và ý chí của những người phụ nữ sinh ra trên vùng đất khó. Chị Nguyễn Cẩm Tú, chị Tần Thị Su là những người như thế

Lên huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hôm nay, hầu như du khách nào cũng muốn một lần được tới thăm Thung lũng hoa Bắc Hà – nơi rạng rỡ với trăm nghìn loài hoa, mùa nào hoa đấy, từ địa lan, tuylip, oải hương đến cẩm tú cầu, hoa đào, hoa hồng… Không chỉ được ngắm hoa, mua hoa, tạo dáng bên hoa, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống và những món ẩm thực độc đáo của đồng bào Mông, Dao nơi đây. Người chủ của thung lũng, cũng là người đã dày công tạo nên những điều mới lạ, hấp dẫn ấy, chính là một phụ nữ người Dao nhỏ bé có tên Nguyễn Cẩm Tú – Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu Cẩm Tú.

Chị Nguyễn Cẩm Tú chụp ảnh lưu niệm cùng du khách

Có được những kết quả như hôm nay, chị Tú đã phải mạnh dạn chi tiền để thuê chuyên gia nước ngoài, trải qua những ngày ăn, ngủ ngoài vườn, đau đáu với những giò lan ươm giống không thành công. Thậm chí nhiều khi, tiền bạc, mồ hôi đổ ra trở thành công cốc. Vậy nhưng với niềm tin vào lợi thế, đất đai khí hậu của Bắc Hà, đặc biệt là những kinh nghiệm quý được chuyển giao bởi các chuyên gia nước ngoài… nữ giám đốc Nguyễn Cẩm Tú vẫn quyết tâm đầu tư, gây dựng để đến hôm nay, Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu Cẩm Tú đã có được một mô hình Thung lũng hoa đầy quyến rũ.

Với mong muốn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân ở xã Thải Giàng Phố, chị Tú đã tuyển 50 lao động là đồng bào DTTS, trong đó có 40 phụ nữ DTTS. Đồng thời, chị Tú đang tiếp tục triển khai Dự án khởi nghiệp Hệ thống làng farmday liên kết với các hộ Mông, Dao, nhằm tạo điều kiện để khách tham quan thung lũng hoa có thể trải nghiệm farmday tại các hộ dân và mua sản phẩm nông nghiệp do các hộ đồng bào DTTS làm ra. Hiện Thung lũng hoa Bắc Hà đón tiếp 300 – 500 khách du lịch mỗi ngày, dịp lễtăng lên tới 5.000 du khách…

Cũng tại tỉnh Lào Cai, nhiều khách du lịch lên tới huyện Sa Pa rất ấn tượng với chị Tần Thị Su – người phụ nữ dân tộc Mông gắn liền với thương hiệu Sapa O’châu (Cảm ơn Sa Pa). Từ một cô bé bán hàng rong, một thuyết minh viên tự do tại khu du lịch Sa Pa, bằng nỗ lực của bản thân, chị Su đã trở thành người điều hành công ty du lịch khá nổi tiếng– Công ty TNHH Du lịch xã hội Sapa O’châu. Sau 10 năm phát triển, đến nay Sapa O’châu đã có khoảng 200 – 300 khách/tháng, trong đó chủ yếu là du khách nước ngoài. Điều đáng nói là, không chỉ tạo việc làm cho rất nhiều đồng bào dân tộc, chị còn giúp nhiều em bé tiếp tục được theo đuổi con chữ và là người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở Sa Pa. Với mong muốn sẽ có thêm nhiều bạn trẻ người DTTS thành công trong quá trình khởi nghiệp, chị Tần Thị Su chia sẻ: “Tôi mong các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đồng hành và tin tưởng những đồng bào DTTS đang khởi nghiệp như chúng tôi; kết nối để chúng tôi có thể phát triển và đi xa hơn dựa trên chính những giá trị văn hóa truyền thống và những sản vật địa phương mà chúng tôi đang có”.

Chị Tần Thị Su giới thiệu về các sản phẩm của Sapa O’châu

Gặp những người phụ nữ DTTS như chị Tú, chị Su, nghe các chị cởi mở, tự tin chia sẻ về ý tưởng, mục tiêu, mới thấy, khi có ý chí, quyết tâm thì ngay cả những người phụ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể làm nên điều bất ngờ. Quan trọng nhất là hãy tạo cho những người phụ nữ DTTS niềm tin, cho họ cơ hội để họ được thể hiện năng lực và theo đuổi ước mơ vươn lên, làm giàu cho mình và cho cộng đồng.

Phương Tú

vnexpress

BÌNH LUẬN