Phim quốc doanh ít vận động, thay đổi, không thu hút được khán giả, hễ sản xuất là lỗ nên việc không được tài trợ sản xuất là không quá khó hiểu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20. Đây là một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất nước ta. Hạng mục được nhiều người quan tâm là phim truyện điện ảnh.

Danh sách 16 phim truyện điện ảnh được tuyển chọn dự thi có rất nhiều phim khuấy đảo phòng vé trong thời gian qua như Em chưa 18, Bạn gái tôi là sếp, Bao giờ có yêu nhau, Cô gái đến từ hôm qua…

Sự kiện - Hết thời phim bám víu 'bình sữa Nhà nước”

Bao giờ có yêu nhau nằm trong danh sách tranh giải Bông sen vàng năm nay.

Những bộ phim đã đạt được nhiều giải ở các liên hoan phim quốc tế như Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư… cũng góp mặt. Điều đáng nói, tất cả 16 bộ phim này đều là của các hãng phim tư nhân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam xảy ra điều này.

Ở những kỳ liên hoan phim trước đây, phim Nhà nước vẫn góp mặt bình thường. Thậm chí, 2 kỳ gần đây nhất, phim Nhà nước có nhiều bứt phá, để lại nhiều ấn tượng, đạt giải cao khá thuyết phục như Cuộc đời của Yến, Những đứa con của làng…

Đặc biệt, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được Nhà nước đặt hàng tư nhân đã “đánh Nam dẹp Bắc” ở tất cả các rạp trong nước. Phim thành công cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật.

Sở dĩ có điều này bởi phim đã có sự giao thoa giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật. Với sự thành công ấy, không chỉ giới chuyên môn mà cả khán giả tin tưởng, phim Nhà nước sẽ có sự hồi sinh mạnh mẽ. Thế nhưng, đến nay, có thể khẳng định, trong liên hoan phim lần này, niềm hy vọng ấy đã tan vỡ hoàn toàn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng cục Điện ảnh thừa nhận, việc không có bộ phim đầu tư của Nhà nước tham gia liên hoan phim lần này là một sự đáng tiếc. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, không có bộ phim Nhà nước nào được sản xuất. Cũng ngần ấy thời gian, không có mạnh thường quân nào tài trợ để sản xuất phim điện ảnh. Không sản xuất, đồng nghĩa không có phim tham gia chứ không phải vì phim Nhà nước có chất lượng kém nên không được lựa chọn.

Mặc dù vậy, nhìn vào thực tế cho thấy, điện ảnh thế giới ngày càng vận động và phim của các hãng phim tư nhân cũng chuyển biến theo. Dù sự phát triển không bằng thế giới nhưng nhìn chung, điện ảnh tư nhân thay đổi nhiều để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Trong khi đó, phim được Nhà nước đầu tư kinh phí, hiếm tạo được điều này. 2 bộ phim quốc doanh gần nhất được tung ra thị trường là Thầu Chín ở Xiêm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền, mỗi phim được đầu tư hơn 10 tỷ đồng.

Sự kiện - Hết thời phim bám víu 'bình sữa Nhà nước” (Hình 2).

Một cảnh trong phim Cha cõng con.

Cả 2 bộ phim đã cố gắng cho ra rạp nhưng bị khán giả quay lưng, đành phải trình chiếu miễn phí. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ 2 bộ phim này không được khán giả ưa chuộng vì còn quá nặng yếu tố chính trị, thiếu hơi thở của cuộc sống. Bà Ngô Phương Lan cũng thừa nhận, một bộ phim Nhà nước vừa dung hòa nhiệm vụ chính trị, vừa đạt doanh thu tốt là rất khó.

Dẫu biết rằng, có rất nhiều lý do khách quan dẫn đến tình trạng phim quốc doanh vắng bóng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, nhưng đây cũng là điều dễ nhận thấy từ trước. Từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực thì việc tài trợ làm phim cho các hãng phim Nhà nước cũng bị cắt giảm để tránh tình trạng bám víu vào “bình sữa Nhà nước” và phải đối mặt với cơ chế thị trường. Điều này buộc các hãng phim Nhà nước phải “vận động”, thay đổi tư duy, tránh tình trạng tiền “trút” xuống, sản xuất phim rồi cho nằm “đắp chiếu”.

nguoiduatin

BÌNH LUẬN